Ngay trước thềm ngày kỷ niệm lần thứ 73 Quốc khánh 2-9, đánh dấu một trang sử mới đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam bắt đầu với quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thời kỳ mà dân tộc được phục hưng, tổ tiên được rửa nhục thì mấy sử gia nhân danh nghiên cứu khoa học lại có những phát ngôn đầy tội lỗi với dân tộc, với tổ tiên. Điều đó đã diễn ra trong cuộc Hội thảo kỷ niệm 160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp (31-8-1858 – 31-8-2018).
1- Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Bản Tuyên ngôn độc lập, một áng hùng văn của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945 đã chỉ rõ:
“Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”
Và Người đã khẳng đinh một cách đanh thép:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập !”
Nhắc lại những lời hào hùng này để chúng ta thấy rõ âm mưu của những kẻ phản bội định lật lại lịch sử dân tộc, định “rửa mặt” cho thực dân Pháp và chạy tội bán nước của triều đình nhà Nguyễn ươn hèn.
2- Vài nét về hai trận đánh ở Đà Nẵng từ 1858 đến 1860.
Thực ra thì trước trận đánh lớn nổ ra ngày 31-8-1858, thực dân Pháp đã mở hai trận đánh trinh sát chiến trường tại Đà Nẵng vào các ngày 15-4-1847 và 26-9-1857. Tất nhiên là ở cả hai trận đánh này, quân viễn chinh hải ngoại của thực dân Pháp đều bị thủy quân nhà Nguyễn đánh lui. Tuy nhiên, qua hai trận đánh này cùng với hoạt động gián điệp của các cố đạo và linh mục dòng tên (Le Compagnie de Jésus), quân Pháp đã cơ bản nắm được tình hình bố phòng của quân đội nhà Nguyễn tại Đà Nẵng (Pháp gọi là Tourane).
Dựa vào thỏa thuận giữa Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte III với Quốc vương Anh Albert Edward (Edward VII), theo đó phân chia việc đánh chiếm các thuộc địa theo đó, Anh sẽ “chia phần” Trung Quốc, Pháp sẽ “chia phần” bán đảo Đông Dương (Indo-China) cũng như dựa vào các thông tin thu thập được kể trên, cuối năm 1857, Ủy ban về Đông dương (Le Commission de L’ Indochinoir) của Cơ mật viện triều đình pháp do bá tước De Brenien cầm đầu đã đệ trình một kế hoạch thôn tính các xứ Đông Dương. Tuy nhiên, trong thời gian đó, quân viễn chinh Pháp đang tập trung lực lượng để liên kết với quân viễn chinh Anh và các nước khác chống lại Nhà Thanh trong cuộc “Chiến tranh thuốc phiện”. Chỉ đến khi quân triều đình nhà Thanh thất bại, buộc phải ký “Hòa ước Thiên Tân” ngày 28-6-1858 với nhiều điều khoản rất bất lợi cho Trung Quốc để đổi lấy vũ khí của phương Tây và tập trung binh lực chống lại khởi nghĩa “Thái Bình Thiên Quốc” đang lan rộng ở Hoa Nam, quân viễn chính Pháp mới tập trung vào chiến trường Việt Nam mà trọng điểm đầu tiên là Đà Nẵng.
Trong tờ trình thuyết minh cho kế hoạch đánh chiếm Dông Dương, bá tước De Benien đã chỉ rõ Đà Nẵng nằm ở vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Nếu đánh chiếm được nơi này, có thể tổ chức một mũi vu hồi vượt đèo Hải Vân đánh ra kinh thành Huế, phối hợp với thủy quân lục chiến tấn công từ cửa Thuận An vào, buộc triều đình Huế phải quy hàng. Cũng từ đây (Tourane), có thể tiến quân sang Lào, Campuchia, tiến lên Tây Nguyên, uy hiếp Thái Lan, tiến xuống phía Nam và cuối cùng là thôn tính toàn bộ bán đảo Đông Dương. Trong tờ trình của bá tước De Brenien không hề có một chữ nào nhắc đến việc tấn công sang Trung Quốc.
Ngày 31-8-1858 được lịch sử ghi nhận là ngày liên quân Pháp – Tây Ban Nha bắt đầu tấn công Đà Nẵng nhưng thực ra, toàn bộ “Chiến dịch Tourane” giữa Liên quân Pháp – Tây Ban Nha và quân dân Việt Nam có hai trận đánh cơ bản tại Đà Nẵng.
Trận đánh thứ nhất kéo dài đến ngày 2-2-1859. Kết quả là quân dân Việt Nam (với 2.000 quân triều đình và gần 10.000 dân binh) đã đánh thiệt hại nặng hạm đội thủy quân Pháp – Tây ban Nha, đánh chìm 2 trong số 14 tàu chiến của địch buộc Phó đô đóc Pháp Charles Rigault de Genouilly, chỉ huy chiến dịch phải xin ngừng bắn để nhận thương binh về cứu chữa. Sau trận, quân Pháp bàn giao chiến trường cho Đại tá Faucon chỉ huy và kéo một nửa số tàu chiến cùng gần 3.000 quân vào phía Nam để tấn công Gia Định.
Sau một tháng tấn công, không vấp phải sự chống trả một đội quân mạnh như ở Đà Nẵng và thiếu người chỉ huy, quân Pháp do Phó đô đốc Charles Rigault de Genouilly cầm đầu đã san bằng thành Gia Định. Sua traaij này, Charles Rigault de Genouilly chỉ để lại một đại đội bộ binh do hạm trưởng Jauréguibery chỉ huy rồi kéo gần 2.000 quân quay lại đánh Đà Nẵng. Trận đánh thứ hai ở Đà Nẵng bắt đầu ngày 20-4-1859. Tuy nhiên, sau 2 tháng tấn công liên tục, quân Pháp chỉ chiếm được 3 tiền đồn ven biển, thu được 54 khẩu pháo nhưng không thể tiến quân thêm nữa do thương vong lớn và bệnh dịch hoành hành.
Bộ Tư lệnh hải quân Pháp lệnh cho Phó đô đốc Charles Rigault de Genouilly dùng chiến thuật “thắng lợi của gói nhỏ” (nguyên văn tiếng Pháp là “Le conquête en petis paquets”) đồng thời chủ động xin nghị hòa. Để tạo thế mạnh trên bàn đàm phán, Charles Rigault de Genouilly đã cho các pháp hạm đi bắn phá Bãi Cam ở Bình Định và pháo đài Hổ Cứ, thiêu hủy nhiều tàu thuyền của triều đình nhà Nguyễn và ngư dân ở vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị để rồi đến ngày 20-6-1859 mới chịu hòa đàm với ba điều kiện: “Tự do truyền đạo, tự do buôn bán và cho Pháp được mở nhượng địa”.
Chủ ý của Charles Rigault de Genouilly là dùng kế hoãn binh để chờ viện quân từ Pháp sang nên y cố gắng “ương bướng”, không chịu lắng nghe bất kỳ một lời nào của tướng Nguyễn Tri Phương, đại diện cho triều đình Huế. Đến ngày 7-9-1859, sau nhận được gần 1.000 viện binh từ Pháp gửi sang, Charles Rigault de Genouilly lấy cớ triều đình Huế không có thiện chí hòa đàm nên Pháp phải cắt đứt cuộc hòa đàm và lệnh cho viên thiếu tá tham mưu Déroulède vạch kế hoạch tiếp tục tấn công.
Ngày 15-9-1859, cánh phải của quân Pháp tiến dọc bờ biển đánh chiếm các đồn Liên Trì và Phước Ninh, Tham quân Phạm Thế Hiển phải rút quân về giữ đồn Nại Sảng, chặn đường ra Huế. Ở cánh trái của quân Pháp, tướng Nguyễn Hiên để mất đồn Nại Hiên. Thống đốc quân thứ Nguyễn Tri Phương phải bỏ phòng tuyến Nại Hiên – Liên Trì, rút về giữ đèo Hải Vân để chặn đường tiến ra Huế của quân Pháp. Sau trận thua này, Phan Thanh Giản (Khâm sai triều đình) đã vào Quảng Nam, tuyên chém. đầu các tướng Hồ Văn Đa, Lê Văn Nghĩa, Đoàn Văn Thức về tội đã bỏ đồn tháo chạy. Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển và Nguyễn Hiên đều bị quản thúc.
Cuối tháng 10-1859, Bộ Tư lệnh Hải quân Pháp cử thiếu tướng Le Page sang thay Phó đô đốc Charles Rigault de Genouilly chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Ngày 1-11-1859, tướng Le Page xin điều đình lại với triều đình nhà Nguyễn. Y chịu từ bỏ yêu sách đòi lập nhượng địa nhưng vẫn ngấm ngầm lệnh cho viên đại tá tham mưu Dupré Déroulède chuẩn bị cuộc tấn công mới.
Ngày 18-11-1859, chiến hạm chỉ huy mang tên Néméris và hai tàu chiến nổ súng tấn công Pháo đài Đại Hải và đồn Chân Sảng. Pháo binh của quân triều đình bắn trả trúng chiếc Néméris, giết chết tên đại tá Dupré Déroulède, làm bị thương nhiều tên khác. Tướng Le Page cho 300 quân đổ bộ đánh chiếm đồn Chân Sảng. Quân triều đình nhà Nguyễn phải rút lên giữ Hải Vân quan với lực lượng chỉ còn non nửa.
Ngày 23-12-1859, Tự Đức phái Thống tướng quân thứ Nguyễn Trọng Thao (thay Nguyễn Tri Phương) đem quân từ đèo Hải Vân đánh xuống lấy lại đồn Chân Sảng. Các tướng Nguyễn Hiên và Trần Đình Túc đóng ở các đồn Câu Đê và Hóa Ổ chia quân đánh phối hợp vào hai bên sườn. Quân Pháp không chống nổi, phải bỏ đồn Chân Sảng xuống tàu chiến thoát ra khơi vào tháng 1-1860. Tháng 2-1860, quân Pháp rút lực lượng chủ yếu ở Đà Nẵng vào mở rộng đánh chiếm Nam Bộ, chỉ để lại vài trung đội đóng giữ các đồn Sơn Trà, An Hải và Điện Hải.
Ngày 22-3-1860, tướng Le Page ra lệnh cho quân Pháp nổ mìn phá hủy các đồn binh Sơn Trà, An Hải và pháo đài Đại Hải, rút quân vào phía Nam, Sau khi giao một nửa quân số và tàu chiến cho viên đại tá hải quân D’ Arlière giữ thành Gia Định, Lebage dẫn đoàn tàu chiến còn lại sang hợp lực với quân Anh tấn công Hồng Công. Chiến dịch Đà Nẵng 1858-1860 kết thúc.
3- Những lời xảo biện dối trá nhân danh khoa học.
Tại cuộc Hội thảo lịch sử kỷ niệm 160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp, Giáo sư Trương Quốc Bình nói: “Chúng tôi cho rằng, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan của việc đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị từ những năm cuối của thế kỷ 19. Nhưng rất cần khẳng định và ghi nhận vai trò của nhà Nguyễn trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ trong toàn quốc nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia”.
Điều đó là đương nhiên, bởi vì một chính quyền, cho dù là phong kiến, tư bản, xã hội chủ nghĩa hay bất kỳ một chế độ chính trị nào mà không có chiến lược, sách lược phòng thủ quốc gia và tích cực thực thi chính sách đó thì chính quyền ấy không đáng tồn tại.
Mặc dù có chiến lược, có sách lược nhưng việc thực thi nó không đến nơi đến chốn, để khi giặc đến rồi mới lo dự trữ quân lương, tuyển lính thì có chiến lược, sách lược cũng chỉ là trên giấy tờ. Tham luận tại Hội thảo này của nhà nghiên cứu Võ Hà (Đà Nẵng) cho thấy điều đó: “Việc vua quan triều Nguyễn sau năm lần đàm phán với Pháp vẫn chưa đồng ý nghị hòa chưa hẳn là thiếu dứt khoát. Mục đích của triều Nguyễn khi đó là kéo dài thời gian để chuẩn bị thêm lực lượng, thu gặt mùa màng”. Hơn thế nữa, Tự Đức và phe chủ hòa được ông ta bảo trợ còn hy vọng vào việc làm cho “binh lính liên quân đang gặp khó khăn (thiếu lương thực, bỏ mạng về bệnh tật, tinh thần hoang mang vì hay bị đánh du kích), để quân giặc nhụt chí mà rút lui”.
Rõ là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Muốn che đi những sai lầm thiếu kiên quyết của triều đình nhà Nguyễn nhưng các sử gia lại để lộ những sai lầm còn tệ hại hơn. Không phải là thiếu kiên quyết mà còn thiếu cả sự thực hiện chiến lược, sách lược phòng thủ quốc gia (nếu có), đặc biệt là sự yếu kém về dự trữ chiến lược nhân lực, vật lực.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến (Khoa Sử, Đại học Khoa học Huế) cho rằng "nhà Nguyễn không hề “án binh bất động” ở chiến trường Đà Nẵng như nhiều sách sử phổ biến hiện nay", nhưng ông này đã không dẫn ra được những cuốn sách nào nói điều đó. Còn xét về khía cạnh quân sự thì khi quân địch đã bung hết sức rồi mà vẫn không thể giành được thắng lợi thì đó là lúc mà ta huy động lực lượng tổng phản công. Với hành động quân sự đó, khả năng thắng lợi là rất cao, thậm chí có thể tiêu diệt hoàn toàn hoặc phần lớn đạo quân xâm lược. Nhưng Tự Đức và phái chủ hòa của ông ta đã không dưới 3 lần bỏ lỡ thời cơ quý báu khi tướng giặc kéo quân vào đánh Gia Định để phản công, giành lại những đồn binh, những phần đất bị giặc chiếm mà lại chấp nhận nghị hòa. Điều đó không thể hiện sự “án binh bất động”, sự nhu nhược thì có thể gọi là cái gì đây ?
Giáo sư Trương Quốc Bình (Hội đồng Di sản quốc gia) nhận định rằng nhà Nguyễn sớm đánh giá cao vị thế quan trọng của vùng biển và hải đảo nên rất quan tâm đến việc bảo vệ, khai thác các vùng biển đảo từ Móng Cái đến Hà Tiên. Điều này thể hiện trách nhiệm của vương triều trong việc bảo vệ chủ quyển lãnh thổ quốc gia và sự bình yên của cư dân chống lại nạn cướp biển.
Tôi xin mạn phép thưa Giáo sư rằng không chỉ nhà Nguyễn mà chính triều đại Tây Sơn (bị nhà Nguyễn lật đổ trước đó) còn chăm lo đến phòng thủ đường biển hơn nhiều so với triều đình nhà Nguyễn. Thời Nguyễn Huệ làm Hoàng đế, hải quân Tây Sơn có hạm đội pháo thuyền mạnh nhất Đông Nam Á khi đó. Minh chứng cho sức mạnh của nó là vào mùa Xuân Kỷ Dậu (1789) hạm đội này đã cơ động thần tốc theo đường biển, đổ bộ lên Thái Bình và Hải Phòng rồi cơ động tiến lên chặn đánh giặc Thanh dọc theo con đường chúng rút lui (đường số 1 cũ).
Và không phải tài liệu nào khác mà chính cuốn “Đại Nam thực lục tiền biên” đã ghi: “Năm 1782, Nguyễn Ánh đem vài trăm chiến thuyền vào cửa Cần Giờ, tham dự trận thủy chiến ở sông Thất Kỳ giang. Dù thủy quân Nguyễn Ánh đã có 2 tàu Tây và người Tây chiến đấu dũng cảm như Emmanuel, song cũng không địch nổi hải quân Tây Sơn. Một trong hai tàu chiến bọc đồng đã bị hải quân Tây sơn đánh đắm”. Sĩ quan Pháp Barizy tường thuật về lực lượng của hạm đội Tây Sơn do Vũ Văn Dũng chỉ huy như sau: “Lực lượng này gồm có 673 chiến hạm đủ cỡ lớn nhỏ. Trong số này, có những chiến hạm lớn trang bị súng đại bác và thủy thủ đoàn nhiều hơn cả những chiến hạm lớn nhất kiểu Tây phương mà quân Nguyễn có”. Trong một bức thư của linh mục kiêm gián điệp Pháp Jeaptiste Chaigneau cho biết riêng ở Quy Nhơn, hạm đội Tây Sơn có 54 tàu, 93 chiến thuyền, 300 pháo hạm, 100 tàu buồm trang bị rất hùng hậu.
Còn khi giặc Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng thì hạm đội của nhà Nguyễn đang ở đâu ? Hạm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải hoành tráng của nhà Nguyễn đâu rồi mà để cho tàu chiến của giặc thoải mái dùng pháo binh uy hiếp và đánh chiếm các đồn binh của ta, giết hại tướng sĩ của ta ? Tại sao trong hai trận chiến tại Đà Nẵng, không hề thấy bóng dáng của bất kỳ một tàu chiến nào của quân triều đình nhà Nguyễn ? Xin thưa, cái hạm đội ấy chỉ có hơn chục chiếc tàu buồm chạy ven bờ có lắp pháo và đang phòng thủ cửa Thuận An vì Tự Đức lo sợ địch sẽ tấn công thẳng vào Huế. Nhưng nếu chiến đấu trong vịnh Đà Nẵng và phối hợp tốt với pháo binh trên bờ thì nó có thể là một lực lượng sẽ nhận chìm không chỉ 2 chiếc tàu của quân Pháp mà còn nhiều hơn nữa. Do đó, người ta nói thủy quân nhà Nguyễn đã án binh bất động là hoàn toàn đúng.
Cũng có người theo thuyết vũ khí luận đổ thừa cho việc giặc Pháp có tàu đồng, có pháo mạnh. Nhưng xin thưa rằng quân nhà Nguyễn cũng có binh lực pháo binh không yếu mà đại diện hoành tráng nhất là “cửu vị thần công” được bày trước Ngọ Môn cho oai chứ chưa bao giờ xung trận. Còn ở trận Đà Nẵng, việc quân triều đình nhà Nguyễn để mất đến 54 khẩu pháo vào tay giặc thì không thể đổ lỗi cho vũ khí được.
Trong cuộc hội thảo này, ông Yang Zhung Guo* còn đưa ra một luận điểm được các báo chí “vinh danh” là “quan điểm mới”. Oai oách chưa ! Ông Guo bảo rằng liên quân Pháp - Tây Ban Nha mượn cớ triều đình nhà Nguyễn cấm đạo để nổ súng xâm lược Việt Nam với mục tiêu tìm đường vào Trung Quốc. Bằng chứng là khi không chiếm được Đà Nẵng ngay, Pháp đã đưa quân vào chiếm Gia Định và sau đó đánh ra Bắc để tiếp cận tỉnh Vân Nam, chứ không nhằm vào Huế.
Xin thưa với ông Yang Zhung Guo rằng trước khi tấn công Đà Nẵng 2 năm, quân viễn chinh Pháp đã chiến đấu bên cạnh quân viễn chinh Hoàng gia Anh trong “Cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai” (1856-1860). Họ không việc gì phải tìm con đường nào khác để vào Trung Quốc ngoài đường biển là đường thuận lợi nhất. Nếu muốn vào Vân Nam thì việc gì giặc Pháp phải đánh Đà Nẵng rồi ra Bắc ? Họ chỉ việc đưa thủy quân tiến dọc sông Hồng là đến được Mạn Hảo (phía Nam Côn Minh) bởi thủy lộ này đã được Jean Dupuy khám phá từ trước. Còn việc bỏ Đà Nẵng để vào đánh chiếm Gia Định rồi từ đó tìm đường sang Vân Nam thì có lẽ người Pháp đã quên kiến thức địa lý rồi chăng ? Hay ông Yang Zhung Guo đã quên ?
4- Về câu hỏi xấc của ông Trịnh Văn Thảo
Cuối cùng, phải nhắc đến ý kiến của Giáo sư người Pháp gốc Việt Trịnh Văn Thảo (Đại học Aix-Marseille, Pháp). Ông Thảo cho rằng: “Ai cũng phê bình nhà Nguyễn. Thế còn trách nhiệm của đại bộ phận tầng lớp trí thức trong xã hội Nho giáo, thành phần văn thân ở đâu ?”
Tôi xin nói thẳng với ông Thảo rằng câu hỏi của ông là sự xúc phạm rất lớn đến hương hồn của nhiều chí sĩ yêu nước, những văn thân, những nhà nho yêu nước. Bởi trận Đà Nẵng là trận thắng (nếu có thể gọi là thắng) duy nhất của quân triều đình nhà Nguyễn trước quân đội thực dân Pháp xâm lược. Các trận đánh lớn sau đó như “Trận phòng thủ Gia Định” (1859), “Trận Định Tường” (1861), “Trận Đại đồn Chí Hòa” (1861), “Trận phòng thủ Hà Nội lần thứ nhất” (1873), “Trận phòng thủ Hà Nội lần thứ hai” (1882), “Trận phòng thủ Nam Định” (1883), “Trận phòng thủ Cửa Thuận An” (1883), “Trận phòng thủ Bắc Ninh” (1884), “Trận phòng thủ Hưng Hóa” (1884).. Quân triều đình nhà Nguyễn hoàn toàn thất bại, ngay cả ở những trận có quân Thanh giúp sức. Từ đó về sau, quân đội triều đình nhà Nguyễn không hề giành được bất cứ một thắng lợi nào mà ngày càng trở thành một quân đội tay sai, phục vụ cho thực dân Pháp, cùng với quân đội thực dân Pháp đàn áp các cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Còn vua quan nhà Nguyễn thì đều dần dần trở thành những tên bù nhìn, những “Con rồng tre” trong tay thực dân Pháp và đi ngược lại ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam
Ông Thảo bảo rằng giới trí thức Nho giáo, những chí sĩ, văn nhân ở đâu ư ? Thưa ông, đúng là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam bắt đầu từ Đà Nẵng ngày 31-8-1858. Nhưng nó không dừng lại ở ngày 23-3-1860 mà còn kéo dài gần 90 năm sau đó và kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, khởi đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy đã có hàng triệu người dân yêu nước đã hy sinh, hàng vạn chí sĩ yêu nước, văn thân, sĩ phu yêu nước cũng đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Ông Thảo đã quên họ ư ? Vậy tôi nhắc lại để ông nhớ và để về sau đừng có hỏi kiểu đó nữa nhé:
- Cụ Quản cơ Nguyễn Trung Trực, lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1861-1868) đã đốt cháy chiếc tàu chiến bọc đồng “L’ Espérance” của thực dân Pháp trên sông Nhật Tảo (1862).
- Cụ Quản cơ Trương Công Định, lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1861-1864), được nhân dân suy tôn là “Bình Tây đại nguyên soái”. Con trai ông là Trương Quyền còn kế tục ông giữ vững cuộc kháng chiến ở Đồng Tháp Mười và Tây Ninh đến năm 1870.
- Cụ Giáo thụ, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, cùng với Cụ Võ Duy Dương (Thiên hộ Dương) lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp ở Đồng Tháp Mười từ 1862 đến 1866.
- Cụ Cai đội Trần Văn Thành, lãnh đạo khởi nghĩa Bảy Thưa chống thực dân Pháp ở An Giang (1867-1873).
- Vua Nguyễn Phúc Ưng Lịch (hiệu Hàm Nghi), hoàng đế nhà Nguyễn thứ 8 đã cùng với các quan lại yêu nước phát động Phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược, bị Nguyễn Phúc Ưng Thị (hiệu Đồng Khánh) lật đổ năm 1885.
- Cụ Hồng Lô tự khanh Nguyễn Duy Hiệu, lãnh đạo khởi nghĩa Quảng Nam (Nghĩa hội Quảng Nam) từ 1885 đến 1887.
- Cụ Tri huyện Phan Đình Phùng, lãnh đạo khởi nghĩa Hương Khê chống thực dân Pháp (1885-1896).
- Cụ Án sát Nguyễn Xuân Ôn, lãnh đạo khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Nghệ An (1885-1887).
- Cụ Chánh tổng Đinh Công Tráng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Ba Đình, Nga Sơn, Thanh Hóa (1886-1887).
- Cụ Cử nhân Mai Xuân Thưởng (tức Phạm Văn Siêu), lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (1885-1887).
- Cụ Đốc học Tống Duy Tân, lãnh đạo của khởi nghĩa Hồng Lĩnh chống thực dân Pháp ở Hà Tĩnh (1887-1892).
- Cụ Tham tán quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống thực dân Pháp ở Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương (1885-1889).
- Cụ Đốc binh Sơn Tây Nguyễn Đức Ngữ (tức Đốc Ngữ), lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thanh Sơn, Phú Thọ (1888-1892)
- Cụ Đề đốc Trịnh Phong, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Diên Khánh (Khánh Hòa) chống thực dân Pháp (1885-1886).
- Cụ Đề đốc Lê Trực, lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Quảng Bình (1885-1891).
- Cụ Cai tổng Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh), lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Lạng Giang (Bắc Giang) (1885-1888).
- Cụ Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp (1885-1913).
- Cụ Cai đội Trịnh Văn Cấn (tức Trịnh Văn Đạt, thường gọi là Đội Cấn), lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Thái Nguyên (1917-1918).
- Cụ Già làng Ama Trang Lơng (người Ê Đê), lãnh đạo khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Tây Nguyên (1911-1935).
Đó là tôi chưa kể đến các phong trào đấu tranh chính trị của Việt Nam Quang phục hội do Kỳ Ngoại hầu Cường Để (tên thật là Nguyễn Phúc Dân) lãnh đạo, Phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo, Phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh lãnh đạo và Phong trào Việt Minh do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Ngần ấy những tấm gương cứu nước của các nhân sĩ, trí thức, sĩ phu, điền chủ cho đến tiểu thương, nông dân, công nhân .v.v… đã kháng Pháp trong suốt hơn 80 năm trời để giành độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam mà ông Trịnh Văn Thảo lại chỉ dựa vào mỗi một trận Đà Nẵng để đặt câu hỏi: “Ai cũng phê bình nhà Nguyễn. Thế còn trách nhiệm của đại bộ phận tầng lớp trí thức trong xã hội Nho giáo, thành phần văn thân ở đâu ?”. Thật là xấc xược và vậy bạ hết sức.
5- Ý kiến xác đáng của Tiến sĩ Phan Sĩ Phúc:
Trong cả cuộc hội thảo, chỉ có phát biểu của Tiến sĩ Phan Sỹ Phúc (CCB Trung đoàn Bộ binh 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2), khi Tiến sĩ bàn về nghệ thuật quân sự giúp đẩy lùi liên quân xâm lược tại chiến trận Đà Nẵng (giai đoạn 1858-1860) là đúng đắn nhất: "Sức mạnh của quân và dân ở Đà Nẵng có được là nhờ tổng hòa các yếu tố về con người, từ người đứng đầu, đến nhân dân địa phương nơi diễn ra các trận đánh". Nhưng đáng tiếc là ở hội thảo này, có nhiều người chẳng coi nhân dân ra gì.
Đây là quan điểm đúng đắn nhất về chiến tranh nhân dân đã tạo nên chiến thắng duy nhất của nhà Nguyễn trong toàn bộ cuộc kháng Pháp từ 1858 đến 1883 khi phải ký Hòa ước Harmand nhục nhã.
Bởi từ sau trận này, nhà Nguyễn đã không thể phát động một cuộc chiến tranh nhân dân như Nhà Trần đã làm trước đó 7 thế kỷ để chống giặc ngoại xâm mà chỉ lo giữ vương quyền ích kỷ của mình.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng chiến tranh nhân dân là vũ khí tự vệ vô địch của dân tộc Việt Nam. Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ chiến thắng quân Nam Hán (938) chiến thắng quân Tống (1077-1078), chiến thắng quân Nguyên - Mông (1258, 1285, 1287), chiến thắng quân Minh (1418-1428), chiến thắng quân Thanh (1789).v.v... và các cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) khánh chiến chống Mỹ (1954-1975) sau này đều là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân.
Nhà Nguyễn không những đã không phát động kháng chiến toàn dân toàn diện, lo sợ nông dân sẽ lấn át vai trò của mình nên đã đi hết từ thất bại này đến thất bại khác về quân sự và từng bước bán nước ta cho giặc Pháp. Các hòa ước tội lỗi như Hòa ước Nhâm Tuất (1862), Hòa ước Giáp Tuất (1874), Hòa ước Quý Mùi (1883) và Hòa ước Giáp Thân (1884) đã chứng minh cho "lộ trình bán nước" đó.
6- Tóm lại: Những kẻ muốn lật ngược sử thường dùng biện pháp khu biệt, cô lập, chia tách một sự kiện lịch sử khỏi toàn bộ tiến trình lịch sử. Sau đó, chúng dùng những lập luận logic hình thức thay vì logic biện chứng để đưa đến sự hợp lý giả tạo, thoát ly tính toàn diện cũng như những mối liên hệ nhân quả của lịch sử nhằm đưa đến đến nhận thức sai trái về về lịch sử. Tất cả những hành động đó đều nhằm chạy tội cho những kẻ bán nước cầu vinh, “rửa mặt” cho thực dân đế quốc xâm lược, xóa nhòa ranh giới chính nghĩa và phi nghĩa, Nhân danh chủ nghĩa nhân đạo hư vô và viển vông để đánh đồng cuộc chiến xâm lược phi nghĩa với cuộc chiến chính nghĩa của một dân tộc buộc phải chiến đấu để tự vệ.
Những chiêu trò kể trên đã lặp đi lặp lại không ít lần khi những kẻ theo chủ nghĩa xét lại lịch sử thường nhân danh khoa học khi lợi dụng những cuộc hội thảo khoa học, những dịp kỷ niệm sự kiện này, sự kiện nọ để gài vào đó những luận điệu sai trái. Tuy nhiên, tất cả những chiêu trò đó đều thất bại bởi người Việt Nam ngày nay, với tri thức của mình, với công nghệ thông tin hiện đại, với bản lĩnh và lập trường chính trị vững chắc của mình đã không còn mơ hồ trước những thủ đoạn chiến tranh tâm lý của chúng dù nó có tinh vi và xảo quyệt đến đâu đi nữa.
* (tức Dương Trung Quốc)
Nguồn: Theo Tâm Minh Nguyễn