Điều mà tác giả, đạo diễn cũng như người dàn dựng chương trình “Âm vọng Sông Hương”, một trong những chương trình trong khuôn khổ Festival Huế 2018, do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức vào tối 29/4 tại ngã ba sông Gia Hội - Công viên đường Trịnh Công Sơn hướng đến là sân khấu hóa những câu chuyện từ đời thật của người dân vùng sông nước.
Vòng đời
“Âm vọng Sông Hương” là câu chuyện kể về vòng đời của người dân sông nước với những bản sắc rất Huế. Vòng đời của người dân chài bắt đầu từ khi họ sinh ra, lớn lên, yêu đương, dựng vợ gả chồng rồi sinh con đẻ cái, cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Khi trưởng thành, họ được dạy dỗ truyền nghề thành ngư dân, rồi về già, mãn phần, neo hồn cửa Phật và mở ra một vòng đời mới. Họ cùng nhau xây dựng, giữ gìn Huế.
Trên sân khấu, cuộc sống của người dân sông nước Huế được mô tả sống động như thật. Khán giả sẽ thấy những khung cảnh tự nhiên quen thuộc, được nghe những âm thanh trong sinh hoạt thường nhật của người dân lao động Huế. Đó là tiếng mái chèo, tiếng hò dô, tiếng kéo lưới, tiếng quăng chài, tiếng ồn ào ở khu chợ đầm phá, tiếng trẻ con đùa nghịch, tiếng hát ru, tiếng sáo day dứt lang thang nối nhịp tim yêu, tiếng chuông chùa, niệm Phật...
Nhiều loại hình nghệ thuật âm nhạc được kết hợp với các hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng trên sông Hương thơ mộng nhằm giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè quốc tế về Thừa Thiên Huế - một vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tác giả kịch bản và tổng đạo diễn chương trình “Âm vọng Sông Hương”, giới thiệu: “Dòng âm nhạc Huế được lựa chọn, biên tập, dàn dựng, gắn kết với hành động diễn tạo nên một không gian Huế rất quen về giai điệu nhưng lạ lẫm về hình thức, rất đậm nét Huế nhưng cũng man mác hơi thở của dòng sông, hơi thở của đất đai, của trời, của mây, của gió…. nhờ vào sáng tác mới của nhạc sĩ theo cách thức diễn tiến của hành động câu chuyện kể”.
Trên nền dân ca Huế, âm nhạc bản sắc Huế còn là những ca khúc mới, là những giọng ca nổi trội mang đậm chất Huế, khi bay vút khi thâm trầm, như hơi thở, như lời tâm sự, như sự vươn lên… của đất và người xứ Huế. Cùng với đó là những giai điệu âm nhạc hiện đại để gửi thông điệp với du khách gần xa, Huế luôn là Huế nhưng luôn mới, là di sản chung của toàn nhân loại, vừa khu biệt, vừa gần gũi, vừa bản sắc, vừa hiện đại.
Đưa đời lên sân khấu
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: “Các kỳ Festival Huế đã khai thác hầu hết những tinh hoa văn hóa của Huế. Tuy nhiên, một phần đời từ cuộc sống thật của người dân Huế vẫn chưa được chạm đến. Với chương trình này, tôi muốn gửi lời tri ân đến người dân Huế và muốn giới thiệu đến du khách rằng, phía sau những hào nhoáng của thành quách, phía sau một Huế mộng mơ có một Huế cần cù, nhẫn nại lao động. Họ đã âm thầm gìn giữ, bảo tồn Huế đến hôm nay”.
Chương trình không có người dẫn, từ giây đầu tiên đến giây cuối cùng là một tác phẩm trọn vẹn. Mong muốn thể hiện một chương trình thật như ngoài đời vốn có, nhà văn Nguyễn Quang Vinh sử dụng toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên là người Huế. Trong số 200 diễn viên quần chúng, gồm: nam, nữ, trẻ em, người già, ngoài lực lượng học sinh, sinh viên là những người dân chài “xịn”. Thật đến độ bà bán bún, o bán chè, người chài lưới, chèo đò trên sân khấu cũng làm nghề ấy ngoài đời thật.
Sân khấu được thiết kế nổi trên mặt nước, tại ngã ba sông Gia Hội - công viên đường Trịnh Công Sơn. Khán giả sẽ được thấy hình ảnh của chùa Thiên Mụ, thôn Vỹ Dạ với những hàng cau xanh mướt, hình ảnh cây đa, bến nước, đình làng, chợ cá, ngắm thuyền bè qua lại, cá lội tung tăng... Cả những nông cụ, ngư cụ lao động quá đỗi thân quen được biến hóa thành nghệ thuật qua những động tác biểu diễn đúng như thật mà bay bổng, cách điệu.
Nếu giữa sân khấu là cảnh lao động thật thì vòng bên ngoài sẽ là những hình ảnh thăng hoa hóa lao động thành nghệ thuật với những động tác diễn, hình thức diễn chân thực, mặn mòi. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh tâm sự: “Chương trình đòi hỏi chất lượng cao nhưng không phải là của một chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp mà phải diễn sao để người dân Huế xem thấy được đúng như họ. Biểu diễn mà vẫn như đời, như cuộc sống vốn có thế, đó là sự hấp dẫn, lôi kéo khán giả háo hức với chương trình này. Khán giả sẽ thấy, hóa ra mọi thứ mình vẫn thấy hàng ngày được đưa vào chương trình sao hay thế. Họ như được nhìn thấy họ, được sống lại với kỷ niệm ấu thơ, được về lại làng quê mình. Từ đó yêu cuộc sống của mình hơn và nâng niu công việc vốn dĩ rất bình thường”.
Với “Âm vọng Sông Hương”, những người thực hiện muốn mang đến một món ăn tinh thần mới lạ cho Festival Huế năm nay. Chương trình được dàn dựng công phu với những hình ảnh sinh động, kết hợp hình thức trang trí lung linh sắc màu, mang đậm chất Huế và hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại. Ông Ngô Văn Hóa, một dân chài ở phường Vỹ Dạ, háo hức: “Không ngờ cuộc sống bình dị của dân chài chúng tôi cũng được đưa lên sân khấu nghệ thuật của Festival Huế. Tôi rất vui mừng và hào hứng chờ xem chương trình”.
MINH HIỀN