Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

AN TOÀN CHO RỪNG PHÒNG HỘ VEN BIỂN

Dù đã được tỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, nhưng việc lấn chiếm, chặt phá rừng vẫn ngang nhiên diễn ra gây nên mối lo ngại đối với người dân sinh sống ven biển mỗi khi vào mùa mưa bão.
Các vụ chặt phá, lấn chiếm rừng phòng hộ ven biển tại một số địa phương đang được các cơ quan chức năng tiến hành xử lý.
Hàng quán ở Hải Dương lấn chiếm rừng phòng hộ
Đang tiến hành xử lý
Gần đây, tại một số địa phương “nóng" lên tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng phòng hộ ven biển để xây dựng hàng quán dịch vụ, nuôi tôm trên cát, hay khai thác cát có nguy cơ xâm hại rừng do sóng biển đánh... Đáng chú ý là các vụ lấn chiếm rừng ở xã Hải Dương (TX. Hương Trà), xã Vinh Mỹ (Phú Lộc), khai thác cát có nguy cơ xâm hại rừng ở xã Quảng Ngạn (Quảng Điền)...
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương -Lê Xuân Hướng thừa nhận, việc người dân chặt phá, lấn chiếm đất rừng để xây dựng hàng quán dịch vụ du lịch diễn ra giữa ban ngày và kéo dài cả năm nay. Chính quyền địa phương biết nhưng không thể ngăn chặn và xử lý vi phạm một cách triệt để. Các diện tích bị chặt phá vẫn chưa được trồng mới tái tạo, các hàng quán chưa được tháo dỡ. Ông Hướng lý giải, nguyên nhân một phần vì sinh kế của người dân, bởi hiện đang mùa du lịch biển, nếu cưỡng chế tháo dỡ các hàng quán thì đời sống người dân gặp khó khăn; phần nữa theo quan điểm của chính quyền địa phương là rừng của bà con trồng thì họ có quyền được hưởng lợi về mặt kinh tế (?!!).
Theo kế hoạch khoảng giữa tháng 6/2017, chính quyền địa phương sẽ yêu cầu các hộ tháo dỡ hàng quán, trả lại nguyên trạng cho rừng phòng hộ. Tiếp đó, đề nghị cấp trên, cơ quan chức năng hỗ trợ giống để trồng thay thế số cây, diện tích bị chặt phá; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các hộ một cách hợp lý, hợp tình.
Tình trạng chặt phá rừng phòng hộ để nuôi tôm tại xã Vinh Mỹ diễn ra từ năm 2015, nhưng chính quyền địa phương vẫn không ngăn chặn kịp thời, dẫn đến 23,7 ha bị xâm hại, diễn ra trong một thời gian khá dài. Điều này cho thấy địa phương chưa cương quyết trong công tác xử lý vi phạm, quản lý rừng phòng hộ.
Ông Phan Như Ý, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ thông tin, chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu các hộ vi phạm trả lại nguyên trạng cho rừng, cấm nuôi tôm. Cơ quan chức năng cũng đã xử phạt hành chính 144 triệu đồng đối với 26 hộ vi phạm. Địa phương cũng đã tiến hành một số đợt trồng mới, tái tạo rừng nhưng cây vẫn không sinh trưởng vì thời tiết thời gian qua diễn biến khá phức tạp. Việc trồng cây rừng tái tạo sẽ tiếp tục triển khai trong mùa mưa sắp đến.
Diện tích rừng ở Hải Dương bị chặt phá đến nay vẫn chưa trồng tái tạo
Cần hỗ trợ cho người dân
Ông Lê Văn Hóa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, diện tích rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn tỉnh đến nay gần 5.000 ha trải dài hơn 120 km. Gần đây, xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển tại một số địa phương. Tuy diện tích rừng bị phá không lớn, chưa đến mức căng thẳng, nhưng việc để xảy ra tình trạng phá rừng một cách công khai, kéo dài tại một số địa phương thời gian qua là điều bất ổn; nếu cứ buông lỏng quản lý, bảo vệ thì diện tích rừng có nguy cơ bị xâm hại ngày càng lớn.
Theo ông Hóa, nếu chiếu theo tiêu chí của ngành kiểm lâm thì số diện tích rừng phòng hộ ở Vinh Mỹ bị chặt phá để nuôi tôm chưa đủ yếu tố thành rừng. Nhưng vì số diện tích này trồng ven biển, có vai trò quan trọng trong việc chắn sóng, bảo vệ khu dân cư, mùa màng cho người dân nên đã quy hoạch, chuyển sang rừng phòng hộ. Các diện tích bị chặt phá đều do người dân trồng cách đây mấy chục năm thì người dân có thể khai thác, nhưng phải làm đơn trình báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để được quản lý, hỗ trợ giống trồng mới tái tạo.
Trước mắt, cơ quan chức năng cần tập trung xử lý dứt điểm tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng tại một số địa phương. Sắp đến cần rà soát, phân loại rừng nào của dân đầu tư trồng, chăm sóc thì phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho dân; sau đó chuyển giao cho ngành kiểm lâm quản lý, bảo vệ. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã có văn bản gửi hạt kiểm lâm các huyện, thị xã giám sát, theo dõi chặt chẽ các hoạt động bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và xử lý triệt để các vụ vi phạm; đồng thời rà soát, xác định các diện tích của các đơn vị, tổ chức nào trồng, quản lý để có biện pháp bảo vệ một cách hiệu quả.
Tình trạng khai thác cát biển tại một số địa phương, như ở Quảng Ngạn trong thời gian qua cũng khiến nguy cơ sạt lở bờ biển, xâm lấn các diện tích rừng phòng hộ ven biển. Các địa phương cần có biện pháp xử lý, chấm dứt tình trạng khai thác cát nhằm đảm bảo an toàn cho rừng phòng hộ, bảo vệ an toàn khu dân cư trong mùa bão, lũ.
Hoàng Triều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét