Hôm 8/7, trên các trang mạng xã hội lan truyền thông tin 2 nữ sinh với tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi bị Công an huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) bắt giữ vì hiếp dâm 1 nam thanh niên khiến người này tử vong.
Người đưa tin đã dùng bức ảnh của hai cô gái, không được làm mờ khuôn mặt để minh chứng.
Hình ảnh hai nữ sinh bị gắn với bản tin
Thông tin xấu được dẫn với những tên tuổi rõ ràng, địa chỉ đúng và cơ quan công an giải quyết vụ việc cụ thể. Điều này khiến những người tay nhanh hơn não dễ ăn bã, bình luận, chia sẻ bừa bãi.
Sáng 10/7, Công an huyện Tánh Linh và lãnh đạo xã Măng Tố khẳng định, thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt, trên địa bàn không hề xảy ra vụ việc nào như vậy. Lãnh đạo xã Huy Khiêm cho biết thêm, trên địa bàn xã có thanh niên có tên giống tên nạn nhân trong thông tin bịa đặt nhưng anh này hiện vẫn bình thường.
Còn hai cô gái bị gắn ảnh thì chẳng phải là học sinh phổ thông mà một người là sinh viên ở trường cao đẳng và một người thì đang cư trú ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Sự việc đã khiến hai bạn nữ bị gắn ảnh sốc tâm lý, dư luận phẫn nộ.
Nhiều bạn trẻ cho rằng đó là trò troll của giới trẻ thường diễn ra trên mạng xã hội. Song với luật pháp thì rõ ràng người phát tán tin bịa đặt đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nay mai, khi cơ quan điều tra tìm ra con người cụ thể chắc hẳn người đó sẽ bị xử lý thích đáng.
Sự việc này một lần nữa cảnh báo những người dùng mạng xã hội cần phải rất thận trọng và tỉnh táo trước những tin lạ, giật gân, không rõ nguồn gốc.
Chúng ta hẳn còn nhớ cuộc tranh luận về việc chia sẻ hay không chia sẻ những thông tin trên mạng xã hội trong một chương trình truyền hình "60 phút mở". Lần đó MC Phan Anh đã bị dư luận mắng té tát vì quan điểm "cứ share" nếu thích.
Gần đây, những thông tin bịa đặt kiểu giàn ô tô biển xanh "siêu khủng", sắp đổi tiền, bắt giáo viên tiếp khách, bắt cóc trẻ em, bắt cóc mổ bán nội tạng, xả thải độc ra môi trường, công an đánh dân, 7 chiến sỹ công an bị bắn chết... diễn ra thường xuyên trên mạng xã hội.
Trong sơ kết 6 tháng đầu năm 2017, Cục Phát thanh, truyền hình, Thông tin điện tử của Bộ TTTT cho biết, cơ quan quản lý đã làm việc với đại diện các DN nước ngoài có lượng người dùng đông đảo ở Việt Nam. Trong đó, YouTube đã gỡ bỏ 3.000 clip có nội dung xấu, độc hại. Facebook xoá 600 tài khoản, trong đó có 106 tài khoản giả mạo, 394 tài khoản kinh doanh trái phép, 132 tài khoản bôi nhọ, xuyên tạc cá nhân, tập thể.
Tốt xấu lẫn lộn trên mạng xã hội không còn là cá biệt. Nguy hiểm hơn, với bản tính tò mò, hiếu kỳ, cảm tính, dân mạng vẫn có thói quen xem tin xấu là nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn để câu like. Nhiều khi hành động vô thức, không ý thức được rằng mình đang tiếp tay cho cái xấu, cái ác.
Hãy thận trọng với những thông tin "lạ", tránh chuyện "mạng ảo, tù thật". Đã nói rồi nhưng nói lại cũng không thừa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét