Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

CHUYỆN LÀM GIÀU NHƯ CỔ TÍCH CỦA NGÀI GIÁM ĐỐC SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG YÊN BÁI !!!

Đề cập đến vụ việc xảy ra ở tỉnh Yên Bái, Thủ tướng cho rằng cán bộ sai thì phải điều tra, thanh tra, kết luận, xử lý. "Tôi nhắc anh Sáu (ông Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ) phải kết luận cho được vụ Giám đốc Sở ở Yên Bái, không để dư luận xấu như thế. Anh làm hình ảnh như vậy rất xấu cho đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước".

Thanh tra chưa kịp ra tay thì báo chí đã vào cuộc tưng bừng, kẻ độc mồm độc miệng thì nói đó là đòn thù cho việc bắt nhà báo Duy Phong. Việc gì ra việc ấy, Duy Phong "cướp cạn" thì cứ trị tội cướp cạn còn tiêu cực, tham nhũng là kẻ thù của chế độ, của nhân dân không thể không lên án, trừng trị.


Bích Diệp đã có bài viết nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về chuyện làm giàu như cổ tích của ngài Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường Yên Bái, xin giới thiệu với bạn đọc:

Kiếm tiền xưa nay ai cũng phải công nhận là chẳng dễ dàng gì. Nhưng nghe những con số trên báo chí, mấy trăm triệu, mấy chục tỷ cứ nhẹ bẫng như không vậy!

GDP đầu người năm vừa rồi theo thống kê đã tăng lên 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, chạm được ngưỡng trung bình thế giới. Một thông tin khiến không ít lãnh đạo và người dân cảm thấy vui mừng, phấn khởi. Thế nhưng đây là thu nhập bình quân theo năm, nghĩa là một tháng, mỗi người Việt kiếm được khoảng hơn 4 triệu đồng một tý tẹo.

Tại những tỉnh ở địa bàn khó khăn thì mức này thậm chí còn là mơ ước của nhiều gia đình, chưa nói đến của từng cá nhân. Chẳng hạn như Yên Bái, đến thời điểm hiện tại, địa phương này vẫn là 1 trong 10 tỉnh nghèo nhất nước, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/2 cả nước và một vài năm trở lại đây vẫn được Chính phủ trợ cấp gạo.

Ngay mùa giáp hạt vừa rồi, 9.318 hộ với 30.848 nhân khẩu ở 7/9 huyện, thị xã gồm Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình của tỉnh này đã phải nhận trợ cấp trên 462 tấn gạo cứu đói.

Ấy thế mà, chưa khỏi hết choáng váng về độ “khủng” quần thể dinh thự rộng đến 13.000 m2 của ông Giám đốc Sở TN&MT Phạm Sỹ Quý thì người dân Yên Bái và cả nước lại được phen kinh ngạc với giải thích của ông này về nguồn gốc khối tài sản nói trên.

Chưa biết định giá khu dinh thự này như thế nào, nhưng nghe ông Quý nói thì ông đã phải vay ngân hàng gần 20 tỷ đồng, mượn của nhiều anh em bạn bè. Mà thời buổi này, đâu phải cứ hễ đi vay là được ngay, muốn vay 20 tỷ thì thu nhập hàng tháng phải vào khoảng 150-200 triệu đồng (chứ không lấy gì trả lãi), rồi còn phải có tài sản thế chấp nữa!

Kê khai tài sản của ông Quý năm 2016 còn tiết lộ, tổng thu nhập trong năm ngoái quy đổi thành tiền Việt Nam của ông này tăng 1 tỷ đồng và đang sở hữu nhiều đất đai, trang trại, chung cư cao cấp ở Hà Nội và một ô tô Camry.

Ông Quý kể: “Thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ. Tôi chả thiếu nghề gì trên đời. Năm thứ 3 đại học thì tôi cùng chung với bạn mở xưởng đóng giày ở Ngã Tư Sở. Mọi người đừng nhìn ở hình ảnh ngày hôm nay mà nên tìm hiểu cả quá trình”.

Đại ý, ông Quý muốn nói khối tài sản khổng lồ mà dư luận nhìn vào của ông là kết quả của quá trình làm ăn tích lũy từ rất lâu rồi chứ không phải là tiền tham ô, tham nhũng từ cái ghế Giám đốc Sở. Thì đúng rồi, Giám đốc Sở ăn lương Nhà nước theo hệ số (từ 1/7 này được nâng lương cơ bản lên những 1,3 triệu đồng) thì lấy đâu ra tiền mà xây dinh thự!

Và nếu quả như lời ông Quý kể thì ông thật sự là một tấm gương làm giàu cho hàng chục triệu người khác noi theo. Người dân Yên Bái cũng có thể viết tiếp giấc mơ thoát nghèo (chứ chưa nói là làm giàu) từ buôn chổi đót, lá chít, đóng giày hay nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ…

Bản thân người viết cũng mong là câu chuyện trên không là “cổ tích”. Làm giàu mà từ sự nỗ lực, chăm chỉ và chính đáng thì ai cũng cần phấn đấu.

Chỉ có điều, trong xã hội hiện nay, đồng tiền có những lúc đã được đẩy lên quá cao so với giá trị của nó, trở thành mục tiêu và cả phương châm sống của nhiều người, đến nỗi, nó có thể làm lu mờ đạo đức, “mua” được lòng tự trọng, sự tự tôn; khiến người trẻ “ăn xổi ở thì”, quan chức thì tha hóa, người kinh doanh thì bán rẻ lương tâm và pháp luật cũng bị bóp méo…

Nếu tước đi “vương miện” của đồng tiền, bẻ gãy được lòng tham bất chính và thức tỉnh được lương tri con người… khi đó, có lẽ chúng ta sẽ không còn phải trải qua những cú “sốc” bởi những câu chuyện tưởng giật gân mà rất chua chát trên báo chí mỗi ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét