⭐⭐⭐⭐⭐⭐⭐⭐
BƯỚC NGOẶT CỦA CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Tổng tiến công Mậu Thân 1968 là đòn quân sự và chính trị đánh vào ý chí chiến tranh của Mỹ, đánh vào cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn và các thành thị… buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược quân sự và xuống thang chiến tranh.
Quá trình leo thang của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam diễn ra từ sau năm 1960 và tăng tốc từ đầu năm 1965, đến cuối năm 1967 khi đạt đến nấc thang cao nhất với việc quân Mỹ tăng nhanh từ vài chục vạn đến hơn nửa triệu quân.
Mỹ thực hiện chiến thuật phản công tìm diệt quân giải phóng miền Nam, mở nhiều chiến dịch đánh phá bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nhằm phá hoại tất cả các mục tiêu quân sự chính trị, kinh tế, xã hội, kể cả hệ thống đê điều, thủy lợi, dân cư; ra sức đánh phá toàn bộ hệ thống đường giao thông và vận tải chiến lược trên đường Trường Sơn nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người sức của từ miền Bắc vào miền Nam…
So sánh tương quan lực lượng (nhất là vũ khí trang bị, sức cơ động và tính hiện đại) giữa Mỹ và quân giải phóng khiến Mỹ tự tin vào sức mạnh quân sự của mình. Cuối năm 1967, Tổng thống Johnson vẫn tin rằng Mỹ sẽ kết thúc chiến tranh và rút quân khỏi Việt Nam bằng một thắng lợi quân sự.
Chính trong bối cảnh đó, Mỹ bất ngờ phải đối phó với cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.
Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của ta đã có ý tưởng từ lâu, đến cuối năm 1967 đầu 1968 việc chuẩn bị trực tiếp cho kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa ngày càng ráo riết.
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy đã nổ ra ngay sau thời khắc Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 (đêm 30 rạng ngày 31/1/1968) tại Sài Gòn và trên toàn miền Nam đã giáng cho đối phương đòn bất ngờ, được thể hiện trên các phương diện: Bất ngờ về thời điểm và quy mô, bất ngờ về phương hướng và phương thức tác chiến, bất ngờ về mục tiêu… Đặc biệt là những trận đột kích vào các vị trí quan trọng của bộ máy chiến tranh tại Sài Gòn, gây bàng hoàng cho chính giới ở Mỹ và tác động mạnh mẽ đến Quốc hội Mỹ, gây mất niềm tin sâu sắc trong dư luận nhân dân Mỹ.
Bị tác động từ cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn, Quốc hội Mỹ phản đối yêu cầu của tướng William Westmoreland, Tư lệnh liên quân Mỹ ở Nam Việt Nam về việc đòi tăng thêm 206.000 quân Mỹ cùng như không tin vào đường lối chiến tranh và chiến thuật tác chiến của quân đội Mỹ ở chiến trường Việt Nam.
Tình hình đó dẫn đến việc Tổng thống Mỹ buộc phải bỏ kế hoạch tăng quân và không thể tiếp tục leo thang chiến tranh.
Đầu tháng 3/1968, Tổng thống Lyndon Johnson triệu hồi tướng William Westmoreland từ Việt Nam về Mỹ và đưa tướng Abrams sang thay.
Tổng thống Mỹ thấy cần thiết phải có những tuyên bố về tình hình và ông ta đã triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia xem xét lại toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trong những ngày nhóm họp (25 và 26/3/1968), các cố vấn cấp cao Washington bày tỏ quan điểm về chiến lược của Mỹ ở Việt Nam.
Đêm Chủ nhật 31/3/1968, truyền hình Liên bang Mỹ phát bài phát biểu dài 45 phút của Tổng thống Johnson nói về những quyết định hệ trọng bậc nhất của quốc gia, trong đó có những nội dung lớn như: Mỹ đơn phương chấm dứt ném bom Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ vĩ tuyến 20 trở ra; Mỹ sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa; Mỹ không thể tiếp tục đưa các lực lượng quân Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ, mà cần tăng cường cho quân đội Nam Việt Nam khả năng phòng thủ.
Quyết định của Tổng thống Johnson là biểu hiện cao nhất, rõ ràng nhất của chuỗi dài xuống thang chiến tranh của Mỹ trước tác động của đòn tấn công Tết Mậu Thân 1968.
Bộ Chính trị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã kết luận: “Tết Mậu Thân thắng rất lớn, không phải chỉ ở chiến thuật mà nhất là đã đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh”.
Như vậy có thể thấy thực tế cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta từ mùa xuân Mậu Thân 1968 đã mở ra thời kỳ mới, thời kỳ vừa đánh vừa đàm, nhằm mục tiêu giành thắng lợi quyết định, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn./.
Hương Lê st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét