Thời gian qua, đã có rất nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội tung hàng loạt tin giả, xuyên tạc về sức khỏe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gây hoang mang dư luận. Đáng chú ý, Trương Huy San (Osin Huy Đức) còn kích động dư luận với ý đồ phế truất Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi đăng tải bài viết có chủ đích xoáy sâu, bới móc, xuyên tạc theo kiểu “dậu đổ bìm leo”. Thông tin này được tán phát rất nhiều kèm theo những phân tích, bình luận suy diễn hết sức phản động về những cái gọi là “âm mưu chính trị”, “bị quản thúc”, “đấu đá nội bộ”… Tuy nhiên, những hình ảnh trong cuộc gặp mới đây giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Đại sứ Cuba đã đập tan những tin đồn ác ý đó.
Thế nhưng,, “kẻ tung người hứng”, các đối tượng lại tiếp tục có những bài viết xuyên tạc tràn ngập trên mạng với nội dung chủ yếu rằng, “Chủ tịch nước Trần Đại Quang mới xuất hiện là giả của tình báo Hoa Nam đưa qua cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm nắm quyền kiểm soát đất nước, còn Chủ tịch nước Trần Đại Quang thật đang ở Quân Khu 7, dưới sự bảo vệ của quân đội và Lực lượng Công an Miền Nam, chuẩn bị làm đảo chánh…”.
Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Cuba tại Việt Nam – ông Herminio Lopez Diaz. Ảnh: TTXVN
Thậm chí một số đối tượng còn cố tình lắp ghép, so sánh các hình ảnh của Chủ tịch nước để củng cố thêm “tính thuyết phục” cho các luận điệu xuyên tạc.
Các bài viết, clip có tựa đề cùng với nội dung như “Trần Đại Quang tái hiện và những dấu hỏi còn đọng lại”, “9 bằng chứng nghi vấn Chủ tịch Trần Đại Quang “giả” là người Trung Quốc?”, “Trần Đại Quang xuất hiện trở lại nhưng khuôn mặt biến dạng khác thường”, “7 chi tiết vạch trần bộ mặt thật tên Chủ Tịch giả được Trọng Lú tậu về thế chỗ Trần Đại Quang”, “Nghi Gián điệp Tàu Cộng đóng giả Trần Đại Quang thâu tóm Quyền Lực BCT sẽ lôi TBT Trọng lên bàn mổ?”, “Tiết lộ bằng chứng người trên chiếc ghế Chủ Tịch là một diễn viên người Tàu thay Trần Đại Quang”, “Chính trường VN sắp có biến lớn:Trần Đại Quang xuất hiện & làm Tổng Thống mới,Trọng lú cay cú?”, “Chủ tịch nước Trần Đại Quang xuất hiện, người dân thức trắng đêm bao vây phủ chủ tịch, đòi gặp”, “Những bằng chứng lột trần bộ mặt tên Trần Đại Quang giả do TQ cài cắm vào VN”, “Cực nóng: Chủ tịch Quang bất ngờ “tái xuất” với khuôn mặt khác lạ”, “Nóng: Trần Đại Quang vừa xuất hiện là giả, Quang thật có thể đã ra đi giống Phùng Quang Thanh”, “Hé lộ danh tính kẻ đang núp bóng dưới lớp mặt nạ Trần Đại Quang khiến ai cũng giật mình”, “Tin nóng: Chủ Tịch nước Trần Đại Quang hiện đang ở Quân Khu 7, dưới sự bảo vệ của quân đội và Lực lượng Công an cánh Miền Nam”, “Trần Đại Quang Xuất hiện: Một diễn viên đóng thế được CSVN nhập khẩu từ TQ nhằm che mắt dân Việt”, “Chủ tịch Trần Đại Quang bất ngờ xuất hiện trên VTV và thề sẽ tìm ra kẻ đã đầu độc mình”, “Hình ảnh Trần Đại Quang trên VTV là giả 100%, do người Tàu đeo mặt nạ đóng thế”,… dưới những bài viết, còn có nhiều bình luận cho rằng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chết vì bị đầu độc phóng xạ.
Thậm chí một số đối tượng còn cố tình lắp ghép, so sánh các hình ảnh của Chủ tịch nước để củng cố thêm “tính thuyết phục” cho các luận điệu trên. Tất cả giống như một “chiến dịch” có chủ đích, phao tin giả, tung tinh đồn nhảm, đánh vào sự hiếu kỳ của dư luận. Những tin tức tràn lan trên mạng đã gieo rắc sự hoang mang trong lòng rất nhiều người dân quan tâm chính sự đất nước.
Vậy đâu là sự thật ? Chúng ta hãy bình tĩnh và đặt câu hỏi rằng, nếu 1 ai đó đóng giả là người bạn thân, người chồng, người cha trong gia đình, và người lãnh đạo trong cơ quan, …. Thì liệu rằng có qua mắt được rất nhiều những người thân cận xung quanh hay không?
Liệu có người chồng giả nào có thể lọt qua mắt của một người vợ, một người cha giả nào lọt qua mắt của những người con, người bạn giả nào có thể lọt qua mắt qua những người bạn thân thiết của họ và liệu có một người lãnh đạo giả nào có thể lọt qua mắt của hàng vạn con mắt của những nhân viên cấp dưới?.
Tất cả những cử chỉ, hành vi, tâm tư, suy nghĩ, tình cảm và kể cả những chuyện riêng tư, thì liệu có thể “giả” với những người thân cận xung quang được không thưa các bạn?
Tôi cho rằng, nếu như ông đã bị bệnh thì việc khuôn mặt sau lúc ốm đau có thay đổi đôi chút là chuyện bình thường. Hãy thử nghĩ xem, bạn bị ốm và chỉ cần 2 đêm thức trắng thôi (đó là chưa kể bạn bị bệnh nặng) thì khuôn mặt của bạn sẽ thay đổi thế nào, huống chi là một nhà lãnh đạo phải lo toan các công việc quốc gia đại sự. Các bạn cứ nhìn khuôn mặt, mái tóc Obama thay đổi như thế nào theo thời gian khi làm Tổng thống Mỹ thì sẽ biết.
Thế nhưng chỉ dựa vào việc không thấy Chủ tịch nước xuất hiện trên truyền thông mà đã có những kẻ bịa đặt ra, nói nào là bị đầu độc, ám sát, trốn, bị chết, bị thủ tiêu…. đòi Chủ tịch nước phải “công khai lộ diện”,… sau Chủ tịch nước xuất hiện trên truyền thông thì chúng bảo Chủ tịch nước là người giả, sống sao cho vừa lòng đây ?
Nếu chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh gia đình có người đang sống bị tung tin qua đời thì sẽ thấy đó là việc làm phi đạo đức, đáng bị lên án. Nếu là người lương thiện, không bao giờ vạch lá tìm sâu chân dung và soi mói đời tư người khác. Xuyên tạc, bịa đặt, cắt ghép người khác là hành động vô liêm sỉ. Chúng không chỉ đang cố tình bôi nhọ Chủ tịch nước, mà còn làm xấu đi hình ảnh đất nước, gây ảnh hưởng trực tiếp đến những câu chuyện ngoại giao.
Sáng 29-8, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị Quân ủy Trung ương với sự tham dự của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Những câu chuyện bịa đặt kiểu này luôn giống như “sở trường” của những đối tượng này, kiểu nào cũng nói được, từ dựng chuyện không thành có, xuyên tạc, vu khống, tung tin giả,… đến gào thét, la lối,… như trước đây có chuyện: Hải Điếu Cày bị công an chặt cụt tay rồi “mọc lại”, Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực một tháng gần chết nhưng vẫn béo quay như thùng phi, Tạ Phong Tần tuyệt thực gần 30 ngày mà không chết, Trương Văn Dũng bị công an “tạt axit” vào mặt nhưng mặt vẫn đẹp, nhiều người chết rồi tự nhiên sống lại,… toàn là những câu chuyện hư cấu “thần thánh” nhờ mạng xã hội để lan truyền.
Từ những tin đồn thất thiệt, xuyên tạc sai sự thật gây mất niềm tin của nhân dân, kế đó, bọn chúng sẽ kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ trên mạng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.
Nguyên nhân là vì Việt Nam chưa có hệ thống pháp lý và biện pháp kỹ thuật đủ mạnh để xử lý các đối tượng tung tin bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín và danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức. Chúng ta chưa có quy trình thống nhất, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng thì lại chưa đủ công cụ pháp lý để có thể chủ động triển khai các biện pháp, phương án đấu tranh và bảo vệ phù hợp. Thực tế, nhiều kẻ chuyên viết bài tung tin bôi nhọ người khác đăng trên các trang mạng từ nước ngoài chưa bị xử lý. Hoạt động phạm tội trên không gian mạng ngày càng tinh vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến tư tưởng, văn hóa, xã hội.
Facebook Thùy Trang Nguyễn đăng thông tin xuyên tạc, bịa đặt
Xác định, nhận diện đối tượng bảo vệ luôn là bước cực kỳ quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng. Hành vi tán phát thông tin bịa đặt gây tác hại rất lớn, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội và sự bình yên, phát triển của cộng đồng. Hành vi tung tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Nhà nước này đã được một số nước xếp ngang với những nguy cơ đe dọa an ninh lớn cho đất nước. Chính phủ Anh xếp loại tội phạm này ngang hàng với tấn công khủng bố, tấn công bằng vũ khí hóa học.
Vừa qua tại hội thảo Bảo vệ an ninh mạng ngày 25-8 tại Quảng Ninh về hoàn thiện Dự thảo Luật An ninh mạng nhằm đáp ứng nhu cầu đặt ra của thực tiễn đã cho thấy. Nguy cơ bị đánh cắp tài liệu, bí mật nhà nước có thể dẫn đến khả năng thất bại từ bên ngoài trong các cuộc đàm phám ngoại giao, thương lượng khi mọi chủ trương, quyết sách bị các đối tượng hoặc nước ngoài kiểm soát, kết hợp với thủ đoạn tung tin xuyên tạc gây hoang mang và hỗn loạn của nhân dân từ bên trong.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải kiên quyết xử lý, vạch trần “bộ mặt”, tâm địa đen tối của những kẻ cơ hội, tạo sự ổn định trong xã hội…
Tự do ngôn luận không có nghĩa là thích viết gì, đưa gì, nói gì cũng được, mà tự do ngôn luận càng phải tuân thủ luật pháp, tôn trọng quyền riêng tư của con người. Việc tung hình ảnh, thông tin với mục đích bêu xấu, hạ nhục người khác trên Facebook đã gióng lên hồi chuông báo động. Đã đến lúc cả xã hội và các cơ quan pháp luật phải vào cuộc, đồng thời các chủ nhân của các trang mạng xã hội cũng cần tự nhận thức được các hành vi nguy hiểm khi sử dụng các diễn đàn, mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ. Và quan trọng nhất, ngay lúc này, vẫn là cần phải có 1 chế tài pháp luật đủ mạnh, đủ sức răn đe với những hành vi tương tự như vậy trên không gian mạng. Có như thế mới giảm thiểu được mặt trái của mạng xã hội trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay.
An Chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét