Vụ 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư phải tiêu hủy vì hết hạn sử dụng gây lãng phí hàng chục tỷ đồng, đến thời điểm này vẫn chưa có ai nhận trách nhiệm.
Những ngày qua, câu chuyện gần 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư hết hạn sử dụng do thủ tục xin phép, cấp phép nhận viện trợ kéo dài tới gần 1 năm khiến dư luận rất bất bình. Hiện nay, các đơn vị liên quan đều đã lên tiếng song đơn vị nào cũng nhận mình đã làm… đúng quy trình.
Vẫn chưa có đơn vị nào nhận trách nhiệm trong vụ gần 20.000 viên thuốc Tasigna hết hạn
“Cha chung không ai khóc”?
Theo kết luận thanh tra được Thanh tra TP.HCM công bố, khi kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM đến ngày 31-12-2015, ghi nhận tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg trị giá gần 14 tỷ đồng đã hết hạn sử dụng từ tháng 5-2015.
Bệnh viện giải trình, tháng 7-2013 nhận được thư tặng thuốc Tasigna từ nhà sản xuất nhưng sau khi làm các thủ tục để được tiếp nhận, phải đến ngày 13-8-2014 bệnh viện mới nhập kho được lô thuốc kể trên, lúc này hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng.
Việc gần 20.000 viên thuốc với giá trị hàng chục tỷ đồng buộc phải tiêu hủy chỉ vì chậm trễ trong khâu tiếp nhận thuốc, trong bối cảnh hàng nghìn người bệnh cần thuốc điều trị mà không có tiền gây bức xúc lớn. Trách nhiệm trong việc này thuộc về ai, do bệnh viện hay các cơ quan có trách nhiệm thẩm định, thông quan, cấp phép cho tiếp nhận lô thuốc?
Đến ngày 8-5 (hạn cuối mà Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP.HCM phải báo cáo về vụ việc này), Sở Y tế TP.HCM vẫn chưa lên tiếng thì các đơn vị liên đới đều đã lần lượt trả lời. Đơn vị nào cũng khẳng định mình đã làm đúng.
Cụ thể, ngày 8-5, Bộ Tài chính chính thức có thông tin khẳng định, lô hàng 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư bị tiêu hủy do hết hạn sử dụng không phải do cơ quan hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục.
Bởi theo Tổng cục Hải quan, lô hàng thuốc viện trợ nói trên cập cảng Việt Nam ngày 23-7-2014, lúc này hạn dùng còn lại của thuốc không đủ 12 tháng. Sau khi Bệnh viện có công văn gửi Cục Hải quan TP.HCM giải trình và xin được thông quan vì lý do nhân đạo, cơ quan hải quan đã tiếp nhận làm thủ tục ngay cho 2 tờ khai hải quan nhập khẩu thuốc viện trợ. Thời gian thông quan lô thuốc này được giải quyết trong 1 ngày.
Cũng trong ngày 8-5, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế gửi thông tin cho báo chí khẳng định việc cấp phép nhập khẩu đối với thuốc Tasigma đã được thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 47/2010/TT-BYT và đảm bảo không quá 15 ngày làm việc.
Cụ thể, ngày 28-11-2013, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM có công văn gửi Cục Quản lý Dược đề nghị tiếp nhận thuốc Tasigna do Công ty Novartis Pharma viện trợ.
Ngày 12-12-2013, Cục Quản lý Dược có công văn trả lời bệnh viện yêu cầu phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiếp nhận viện trợ. Mãi tới 7 tháng sau, ngày 1-7-2014, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM mới có công văn gửi Cục Quản lý dược kèm theo Quyết định của UBND TP.HCM phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ.
13 ngày sau (ngày 14-7-2014), Cục Quản lý Dược có công văn đồng ý để bệnh viện này nhận thuốc. Ngày 22-8-2014, bệnh viện có công văn gửi Cục Quản lý Dược đề nghị tiếp nhận thuốc Tasigna có hạn dùng dưới 12 tháng, thì tới ngày 28-8-2014, Cục Quản lý Dược đã có công văn đồng ý cho bệnh viện tiếp nhận…
Bệnh viện cũng phản ứng
Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, tính riêng từ khi Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM xin chấp thuận cho bệnh viện thực hiện chương trình Tasigna là 3 tháng. Từ khi Sở Y tế TP.HCM có văn bản xin chấp thuận, UBND TP.HCM quyết định phê duyệt tiếp nhận lô hàng cũng mất hơn 3 tháng.
Như vậy, chỉ tính riêng mỗi thủ tục chấp thuận cho Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM tiếp nhận thuốc viện trợ đã mất hơn 6 tháng. Kết luận của Thanh tra TP.HCM chỉ rõ trách nhiệm của Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP.HCM ở vụ việc này.
Tuy vậy, thông tin tới báo chí, bệnh viện lý giải, để được nhập khẩu và sử dụng lô thuốc viện trợ trên, đơn vị đã làm công văn đề nghị gửi đến nhiều cấp, ngành, từ Sở Y tế, Sở Tài chính, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị của TP.HCM đến cơ quan Hải quan, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế)… nên thời gian nhập thuốc kéo dài gần 12 tháng.
Theo cách giải thích của bệnh viện, trách nhiệm trong vụ việc này cũng không hoàn toàn thuộc về phía bệnh viện.
Có thể thấy, các bên liên quan đều đưa ra lý lẽ riêng. Cơ quan nào cũng cho rằng mình làm đúng quy trình nhưng số thuốc trị giá hàng chục tỷ đồng đã phải tiêu hủy. Rõ ràng, cơ quan có thẩm quyền phải tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những cơ quan này; xử lý nghiêm đơn vị có vi phạm. Đây sẽ là bài học cho những đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc làm thủ tục tiếp nhận thuốc viện trợ nhân đạo trong cả nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét