Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

VOA LẠI XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

Ngày 9/8/2017, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã đăng tải bài viết với nhan đề: “Việt Nam có thể ngả về Mỹ để chống Trung Quốc ở Biển Đông?”. Trong đó, VOA cho rằng: “Việt Nam nổi lên như một nước tuyên bố chủ quyền lớn tiếng nhất cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông và có thể ngả về phía Mỹ trong khi Philippines đang xích lại gần Trung Quốc. Việt Nam thúc đẩy khối ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố chung rằng một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc liên quan tới vùng biển tranh chấp phải có tính ràng buộc pháp lý, điều mà Bắc Kinh phản đối. Trung Quốc cũng bực bội vì Việt Nam thúc đẩy các nước bày tỏ lo ngại về "hoạt động xây cất mở rộng" trong khu vực”. Đây là những nhìn nhận, đánh giá mang tính chủ quan, duy ý chí của người viết, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam về vấn đề biển Đông, bởi lẽ:

Thứ nhất, lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông đó là mọi tranh chấp được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời, không làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp, phù hợp với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Đồng thời, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. 

Mặt khác, trong khi chờ đợi tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài cho tranh chấp trên biển Đông, Việt Nam luôn luôn tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982. Đây chính là cơ sở pháp lý chung quan trọng cho việc giải quyết các tranh chấp biển, trong đó có phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước xung quanh Biển Đông. Việc VOA cho rằng: “Việt Nam thúc đẩy khối ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố chung rằng một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc liên quan tới vùng biển tranh chấp phải có tính ràng buộc pháp lý” là thiếu khách quan, bởi lẽ thời gian qua Trung Quốc liên tục có những hành động bành trướng, gây hấn trên biển Đông. Điều này không chỉ Việt Nam mà ngay cả các nước trong khối ASEAN đều biết rõ. Vì vậy, việc ASEAN ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên biển Đông là điều hoàn toàn hợp lý. 

Theo đó, ngày 6/8/2017, Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 50 diễn ra tại Manila, Philippines đã đưa ra thông cáo chung sau kêu gọi các bên kiềm chế, tránh quân sự hóa vấn đề biển Đông. Trong đó, Thông cáo nhấn mạnh sau các cuộc thảo luận sâu rộng, một số thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nêu quan ngại về việc cải tạo đảo "cũng như những hoạt động trong khu vực gây xói mòn niềm tin, sự tin tưởng, đồng thời làm gia tăng căng thẳng, có thể ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định". Bên cạnh đó, tại Hội nghị lần này, ASEAN và Trung Quốc đã đưa ra dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Đây sẽ là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ hai từ trái sang) trong Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 50 Manila, Philippines

Thứ hai, quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam là rất rõ ràng, nhất quán, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Cụ thể là trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn kiên trì phương châm là bạn với tất cả các nước, đa phương hóa, đa dạng hóa trên cơ sở độc lập tự chủ và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Mục đích của Việt Nam là tạo được lợi ích chung với các nước nhằm duy trì hòa bình, ổn định. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Việt Nam không bao giờ liên minh, liên kết với một nước khác để chống lại nước thứ ba, không đi với nước này để chống nước kia...Đây là một chính sách đúng đắn, phù hợp với đường lối đối ngoại hòa bình hữu nghị, độc lập, tự chủ; bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bởi lẽ một nước nhỏ mà liên minh với một nước này để chống một nước khác là tự hại chính mình. Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với trên 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới. Và thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam đã thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, là đối tác tin cậy, là bạn với tất cả các nước; các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam không gây phương hại đối với bất cứ một quốc gia nào.

Có thể thấy rằng chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Việc VOA cho rằng Việt Nam có thể ngả về Mỹ để chống Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn trái với tinh thần của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Trong đó, tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “Việt Nam không bao giờ liên minh với một nước khác để chống lại nước thứ ba”. Hành động của VOA đang cố tình xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt nhằm mưu đồ xấu, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, hòng làm cho tình hình thêm phức tạp, gây hoài nghi, mất ổn định, ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, mỗi người dân cần cảnh giác, nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo, không để các đối tượng xấu lợi dụng vấn đề biển Đông để tuyên truyền chống phá chế độ, gây mất an ninh trật tự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét