2.809m2 rừng thông đặc dụng với hơn 250 cây có tuổi đời trên 30 năm ở khu vực phường An Tây (TP Huế) bị chặt phá trái phép, vận chuyển khỏi địa bàn trong nhiều ngày liền…
Nhiều gốc thông 30 năm tuổi còn lại nằm la liệt tại tổ 10, khu vực 5, phường An Tây.
Chiều 6/10, ông Lê Viết Ngọc Vinh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP. Huế cho biết, đơn vị đang phối hợp với cơ quan CSĐT Công an TP. Huế điều tra làm rõ vụ phá rừng thông đặc dụng trái phép với diện tích 2.809m2 xảy ra tại tổ 10, khu vực 5, phường An Tây.
Trước đó, cuối tháng 8, đoàn kiểm tra liên ngành TP. Huế tiến hành kiểm tra việc quản lý rừng và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn phường An Tây. Qua kiểm tra, đã phát hiện 254 gốc thông bị chặt phá qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó có 170 gốc dấu vết còn khá mới.
Hiện trường còn lại trong vụ chặt phá rừng thông đặc dụng ở An Tây
Có mặt tại hiện trường vụ phá rừng thông đặc dụng, ghi nhận của phóng viên cho thấy đây là khu vực rừng không nằm xa khu dân cư, được bao quanh một số diện tích keo tràm, cây bụi cùng mồ mả của người dân.
Từ đường Châu Chữ, đi lên quả đồi nhỏ là tới khu vực rừng thông bị chặt phá. Tại đây, hàng trăm gốc thông đường kính từ 20-25cm với dấu cưa đã cũ nằm la liệt. Quanh đó, nhiều cành, lá thông đã khô. Việc nhiều cây thông bị đốn hạ khiến khu vực này là đồi cao, trở nên trống trải hơn.
Chị N.T.V, một hộ dân làm vườn ở đây cho biết: “Thấy nhiều người tới chặt cây thông, họ cưa xẻ rồi dùng xe vận chuyển trên đường lớn cả tuần mà không thấy chính quyền đâu cả. Vả lại, bà con cũng nhầm là rừng của Nhà nước, cho phép khai thác nên không báo với phường. Đến khi phát hiện ra, nhiều đoàn lên kiểm tra thì họ đã chặt xong xuôi, chuyển đi hết rồi”.
Nhiều gốc thông đường kính 20-25cm, có tuổi đời 30 năm, bị chặt phá không thương tiếc
Bà Phạm Thị Phương Mai, Chủ tịch UBND phường An Tây cho biết, đây là diện tích rừng thông nhựa được HTX NN An Tây trước đây trồng vào khoảng 1986 đến 1989.
Hiện nay, số diện tích đất này do phường quản lý. Thời điểm đoàn liên ngành kiểm tra không phát hiện đối tượng chặt phá. Điều tra ban đầu cho thấy, số diện tích rừng thông 2.809m2 bị chặt hạ từ 10-15 ngày trước khi đoàn phát hiện. Nguyên nhân chặt cây có thể lấy diện tích trồng keo tràm hoặc xây dựng lăng mộ “Hiện vụ việc đã được phường báo với lãnh đạo thành phố, các cơ quan liên quan nhằm điều tra tìm thủ phạm”, bà Mai khẳng định.
Một góc khoảnh đất hơn 2.800m2 rừng thông bị chặt phá
Bà Mai thừa nhận, trong vụ phá rừng thông đặc dụng diện tích khá lớn, xảy ra trên địa bàn phần nào có trách nhiệm của chính quyền địa phương là đơn vị chủ rừng trong công tác giám sát, kịp thời phát hiện để ngăn chặn các hành vi vi phạm. “Địa bàn phường có diện tích đất tự nhiên 1.035 ha (lớn nhất trong các phường của TP Huế). Trong đó 2/3 diện tích đất là rừng cảnh quan, nghĩa trang và nghĩa địa. Rừng đặc dụng phường quản lý hơn 14 ha nhưng phân bố rải rác, không tập trung. Trong khi đó, lực lượng tổ quản lý đô thị rất mỏng, chỉ 2 người vừa trực tiếp kiểm tra, đảm bảo trật tự xây dựng đô thị, môi trường và an toàn giao thông, vừa là lực lượng chủ yếu trong việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý việc lấn chiếm và chặt phá rừng để xây dựng, chôn cất mồ mả trái phép, nên rất khó để quán xuyến hết mọi việc”, bà Mai phân trần.
Chính quyền phường An Tây đã cho dựng thêm bảng cấm chôn cất mồ mả tại khu vực rừng thông bị phá
Ông Lê Viết Ngọc Vinh thông tin thêm, sau khi xảy ra vụ phá rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và UBND TP Huế cũng đã thành lập đoàn kiểm tra hiện trường, ghi nhận vụ việc và yêu cầu cơ quan CSĐT Công an TP Huế vào cuộc điều tra làm rõ. Đồng thời, chính quyền phường An Tây cũng cho xây thêm biển cấm chôn cất mồ mả ở khu vực phá rừng và tăng cường lực lượng phối hợp với kiểm lâm địa bàn để tuần tra kiểm soát diện tích rừng đặc dụng. “Theo quy định, diện tích rừng đặc dụng bị phá trên 1.000m2 sẽ khởi tố hình sự. Hiện tại, cơ quan CSĐT Công an TP. Huế đang thụ lý vụ việc, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố vụ án để điều tra theo luật định”, ông Vinh nói.
Bài, ảnh: Hà Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét