Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Thừa Thiên Huế: Vì sao ngươi dân cản trở Dự án "Rừng mưa nhiệt đới"?

Dự án “Rừng mưa nhiệt đới” được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định đầu tư và triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 – 2022. Do một vài yếu tố, thời gian qua, Dự án đang gặp phải sự cản trở của người dân địa phương nơi được chọn để trồng rừng.

Tổng thể Quy hoạch Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Huế
Dự án “Rừng mưa nhiệt đới” được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 2263/QĐ-UBND ngày 30/10/2014. Dự án sẽ triển khai trên diện tích 67,06ha thuộc tiểu khu 91 (phường An Tây, TP. Huế) và tiểu khu 154 (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy). Đây là hợp phần trong Quy hoạch Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định phê duyệt từ năm 2013. Dự án “Rừng mưa nhiệt đới” được giao cho Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong (sau đây gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Tiền phong) làm chủ đầu tư thực hiện. Thời gian trồng rừng được thực hiện trong vòng 3 năm, từ 2016 – 2018. Tổng mức đầu tư cho dự án sau khi điều chỉnh là hơn 7,7 tỷ đồng. Trong nội dung dự án, phần nội dung “Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư” được ghi là “không”.
Mục tiêu của Dự án “Rừng mưa nhiệt đới” là nhằm lưu giữ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn gen các loài thực vật rừng đặc trưng và tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới của các tỉnh duyên hải miền Trung, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và du lịchsinh thái trên địa bàn và trong khu vực. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống…
Trong năm 2016, Công ty Lâm nghiệp Tiền phong  đã sưu tập các giống cây rừng theo thiết kế Dự án  và trồng được 27,2 ha rừng bản địa bao gồm các ưu hợp kiền kiền, ưu hợp gụ huỷnh và ưu hợp táu. Ngoài ra, 1,35 ha rừng tre, trúc đặc trưng của Việt Nam đã được trồng xung quanh hồ Châu Chữ để tạo cảnh quan đẹp cho khu rừng mưa. Số diện tích còn lại Công ty Lâm nghiệp Tiền phong tiếp tục thực hiện trong năm 2017 và 2018. Tính đến thời điểm này của năm 2017, số diện tích rừng mưa nhiệt đới được trồng mới thêm là 15ha.
Tuy nhiên, trong quá trình đơn vị thi công đang tiến hành trồng phần diện tích rừng mưa nhiệt đới còn lại, vào ngày 3/10 vừa qua, tại địa phận khu vực 5, phường An Tây thì xảy ra việc người dân cản trở thi công. Lý do người dân cho rằng đơn vị thi công trong khi thi công đã dùng máy múc đào hố trồng cây, làm hư hỏng cây trồng trước đó của họ.
Trong đơn thư của 9 hộ dân sống tại khu vực 5 (phường An Tây, TP. Huế) đứng tên gửi cho chúng tôi, người dân trình bày rằng họ sống tại khu vực này đã rất lâu, trải qua nhiều thế hệ từ ông, bà, cha mẹ đến con cháu. Trong quá trình sinh sống, những hộ dân này đã canh tác được một số diện tích đất xung quanh để sản xuất nông nghiệp.
Theo người dân, sau này vào những năm 1986 – 1989, khi Nhà nước có phong trào trồng cây gây rừng, các học sinh thời điểm đó đã mang cây thông đến trồng sát với phần diện tích người dân đã canh tác ra. Khi rừng thông lớn lên, phần diện tích trồng hoa màu của người dân bị bạc màu và không thể trồng được nữa. Lúc này, họ chuyển qua trồng các loại cây ăn quả và cây lâm nghiệp như tràm, mít, và một số loại cây địa phương. Từ bao đời nay, việc sản xuất của người dân không gặp phải sự cản trở hay xử lý của các cơ quan có thẩm quyền, cũng như họ không hề biết đất đó đã được tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Công ty Lâm nghiệp Tiền phong quản lý.
Máy múc của đơn vị thi công bị người dân tạm giữ ngày 3/10 vừa qua
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thế Sơn, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tiền phong cho biết toàn bộ Dự án “Rừng mưa nhiệt đới” được thực hiện trong phần diện tích đất của Công ty đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp GCNQSDĐ số BP521131, ngày 8/11/2013. Cũng theo ông Sơn, diện tích đất mà người dân khu vực 5 đang canh tác thực ra là đất đã được tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Công ty Lâm nghiệp Tiền phong quản lý từ lâu. “Khi thực hiện trồng rừng thì đơn vị không trồng thông vào các khu vực ven khe, suối để giữ lại để làm vành đai sanh, làm khu phòng cháy chữa cháy cũng như để giữ sự đa dạng sinh học. Tùy theo khu vực mà để rộng từ 5 – 10m. Trong quá trình đó, người dân thấy đất không có rừng thông nên họ canh tác, sản xuất rồi mới xảy ra việc như ngày hôm nay”, ông Sơn lý giải. Ông Sơn cho rằng người dân đã lấn chiếm đất của Công ty.
Khi phóng viên hỏi tại sao đất Công ty bị lấn chiếm lâu như vậy mà đơn vị không có hình thức xử lý nào, thì ông Sơn cho biết. Do trước đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Công ty quản lý đất và rừng lâm nghiệp nhưng Công ty chỉ quản lý chung chung dựa trên bản đồ và khu rừng nên không xác định được ranh giới. Khi phát hiện người dân lấn chiếm nhưng Công ty không xử lý được thì ông Sơn cho là, do phải lập các đoàn kiểm tra rồi các hội đồng cưỡng chế, trải qua nhiều thủ tục liên quan trong khi thời điểm đó Công ty chưa được cấp GCNQSDĐ nên pháp lý không rõ ràng?
Rõ ràng, nếu chiếu theo hồ sơ pháp lý thì rõ ràng người dân đã lấn chiếm đất thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp Tiền phong. Tuy nhiên khi xét theo lịch sử của vùng đất và khu dân cư thì người dân họ đã ở đó từ rất lâu; một số diện tích đất họ khai phá để canh tác còn có trước khi rừng thông hình thành. Ở với rừng, người dân trở thành lực lượng khả dụng nhất mỗi khi không may xảy ra hỏa hoạn, cháy rừng. Thậm chí như ông Sơn cho biết thì có một số khu vực, đất thuộc quản lý Công ty nhưng đã được chính quyền địa phương cấp GCNQSDĐ trồng lấn lên, không những thế có khi còn được cấp trước cả Công ty Lâm nghiệp Tiền phong. Vậy, người dân khu vực 5, phường An Tây tuy đã sai nhưng họ sai mang tính lịch sử và do sự quản lý thiếu chặt chẽ của Nhà nước và chủ đất, chủ rừng. Nhưng chính họ lại có công khai phá và biến khu đất bạc màu thành rừng sinh lợi và Nhà nước cũng luôn khuyến khích người dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Việc làm của người dân không gây thiệt hại gì nếu không muốn nói là ngược lại cho Công ty Lâm nghiệp Tiền phong.
Ấy vậy mà, khi chính quyền Thừa Thiên Huế và Công ty Lâm nghiệp Tiền phong triển khai Dự án trồng “Rừng mưa nhiệt đới” thì người dân lại không được thông báo; công sức họ khai phá, chăm bẵm cho mảnh đất thêm màu mỡ bao lâu nay; số cây cối họ trồng đã lớn nay bị máy múc của đơn vị thi công cán nát, nhưng người dân chưa được hỗ trợ lấy một đồng. Người dân bảo “đất Nhà nước thì chúng tôi sẽ trả lại cho Nhà nước, chỉ xin các cấp chính quyền đừng bỏ quên những gì chúng tôi đã mang lại cho những khu rừng ấy.” Thiết nghĩ chính quyền Thừa Thiên Huế cũng nên có phương án hỗ trợ phù hợp cho người dân!
THẢO VI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét