Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Tinh giản biên chế nhà nước: Hãy bắt đầu từ các cơ quan thanh tra

Như ý kiến của các đại biểu quốc hội về việc tinh giản bộ máy nhà nước, những cơ quan, các cán bộ không thực hiện tốt nhiệm vụ hay không đóng góp gì cho những mục tiêu phát triển của đất nước thì cần phải được loại bỏ để không làm phí ngân sách nhà nước.

Hội nghị Trung ương thảo luận đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn.
Tại sao lại nói các cơ quan thanh tra hiện nay là không đóng góp gì cho mục tiêu phát triển của đất nước? Rất đơn giản, vì với vai trò thanh tra để phát hiện ra các sai phạm, phát hiện ra những cá nhân tha hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước và đưa ra những hình phạt thích đáng cho những thành phần này. Thế nhưng, không quá khi nói rằng các cơ quan thanh tra từ thanh tra chính phủ cho đến thanh tra ở các địa phương đang không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thậm chí có thể nói rằng những cơ quan này không có đóng góp gì trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí hiện nay.
Hãy cũng nhìn lại những việc đang xảy ra trên đất nước ta hiện nay. Hàng loạt các vụ bổ nhiệm sai cán bộ, những tập đoàn nhà nước liên tục làm ăn thua lỗ cũng như những vấn đề về tính minh bạch về tài sản của cán bộ nhà nước. Thế nhưng, tuy rất nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng nhưng gần như không có bất cứ vụ việc nào được phát hiện qua các cuộc thanh tra. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở đó mà còn nằm ở chỗ chúng ta tổ chức rất nhiều các cuộc thanh tra, có những cuộc thanh tra vào đúng những nơi có vấn đề mà sau này được báo chí khui ra nhưng thực tế là sau mỗi cuộc thanh tra đều không phát hiện được bất cứ vấn đề gì. Đến đây chúng ta cần phải đặt câu hỏi về năng lực của đội ngũ thanh tra hiện nay hay thậm chí là về tinh thần làm việc cũng như đạo đức của những cán bộ thanh tra hiện nay.
Vấn đề thứ 2 là dù rất nhiều vụ việc được báo chí đưa ra ánh sáng, cần đội ngũ thanh điều tra làm rõ thì lại mất quá nhiều thời gian, dù đó chỉ là những vụ việc hết sức đơn giản. Điển hình là việc thanh tra khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý. Bức xúc lớn nhất chính là về cách làm việc của đội ngũ thanh tra mà ở đây chính là thanh tra chính phủ, nhận điều tra nhưng rồi liên tục lùi ngày công bố kết quả không rõ lý do gì nhưng họ luôn lấy lý do là phải theo “đúng quy trình”, 1 cụm từ mà có lẽ bất cứ người dân nghe được cũng có thể hiểu được ngay rằng trong việc này đang có vấn đề. Vì đơn giản, từ khi cụm từ “đúng quy trình” được dùng làm lý lẽ bao biện cho những việc làm không minh bạch và sau đó được chứng minh là những sai phạm, điển hình là những vụ bổ nhiệm người nhà làm cán bộ. Và vì vậy, đến lần này có lẽ chúng ta cũng cần phải xem xét lại nhân phẩm của chính những cán bộ đang làm trong ngành thanh tra.
Còn vấn đề cuối cùng, chính là cách mà họ đưa ra những hình thức xử lý khi kết thúc cuộc thanh tra. Không phải dễ dàng gì để có thể tìm được những sai phạm và chứng minh những sai phạm là có thật, để có thể loại bỏ khỏi hàng ngũ lãnh đạo những con sâu mọt đang hằng ngày đục khoét của cải của nhân dân, nhưng họ lại bỏ qua cơ hội đó. Những hình phạt được đưa ra hầu như chỉ có kiểm điểm, cảnh cáo, nặng nhất cũng chỉ là khiển trách, trừ số ít những vụ rất nghiêm trọng thì mới áp dụng biện pháp xử lý hình sự. Và hình thức mà thường được đưa ra nhất chính là rút kinh nghiệm, nhiều đến mức mà câu châm biếm chủ yếu cho hình thức này luôn được mọi người nhắc đến: “Sợi dây kinh nghiện dài quá, ko biết rút đến bao giờ mới hết”.
Không cần phải nói xa làm gì, minh chứng rõ nhất là về vụ việc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Trong vụ này, thanh tra của tỉnh Thanh Hóa ban đầu dự định sau 3 tháng sẽ công bố kết quả thanh tra nhưng thực tế thời gian lại phải lùi lại rất lâu sau đó. Và sau khi thanh tra xong , mức án được đưa ra cho những con người có trách nhiệm trực tiếp lại quá nhẹ: ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Giám đốc sở xây dựng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, người trực tiếp bổ nhiệm chịu hình thức kỷ luật khiển trách, Giám đốc sở xây dựng Đào Vũ Việt chịu hình thức kiểm diểm sâu sắc, còn bản thân bà Quỳnh Anh, người đã rời sang nước ngoài từ lâu và không còn quan tâm đến vị trí của mình thì lại chịu hình thức khai trừ Đảng. Ngoài ra, đi cùng với đó là kết luận không có cơ sở để thanh tra tài sản của bà Quỳnh Anh cũng như không truy cứu trách nhiệm của Sở nội vụ Thanh Hóa trong việc đồng ý bổ nhiệm. Mọi cách giải quyết của thanh tra tỉnh không giaỉ tỏa được nỗi bức xúc của người dân mà còn góp phần làm tăng thêm sự giận dữ để rồi họ phải yêu cầu UBKTTW vào cuộc để lấy lại niềm tin của nhân dân.
Đó là còn chưa kể đến tình trạng làm ăn thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà không biết có thực hiện cuộc thanh tra nào không. Tuy nhiên, dù thế nào thì chúng ta cũng không thể biết được có bất cứ sai phạm nào trong việc điều hành tập đoàn hay không, như trong vụ Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy, phải đến khi báo chí vào cuộc thì những vụ việc đó mới được thanh tra và đưa ra hình thức xử lý đối với 2 đối tượng trên, đặc biệt là Trịnh Xuân Thanh khi những sai phạm mà ông ta mắc phải là từ rất lâu trước đó, khi ông ta còn làm ở PVN. Còn rất nhiều những tập đoàn đang làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng những thành viên trong ban lãnh đạo vẫn không bị làm sao, giữ được ghế của mình và nhiệm vụ đơn giản là báo lỗ lên nhà nước rồi thôi chứ không thấy bất cứ cuộc thanh tra nào để điều tra nguyên nhân của việc thua lỗ. Cứ như vậy đương nhiên khu vực kinh tế nhà nước không thể khá lên là điều đương nhiên.
Qua tất cả những vấn đề nêu trên, có thể thấy chúng ta cần phải thấy được sự cấp thiết trong việc thay đổi bộ máy thanh tra của đất nước hiện nay. 1 bộ máy làm việc không hiệu quả, đưa ra những hình thức xử phạt mang hình thức bao che gây mất niềm tin của nhân dân. Có thể thấy trong tất cả các vụ việc thì thường chỉ có 1 vài cá nhân phải đứng ra để chịu hình phạt (dù hình phạt cũng không thấm vào đâu), còn lại những nhân vật khác thì gần như không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Chúng ta cần cơ quan thanh tra phải làm việc liên tục, gấp rút, điều tra đến tận gốc rễ sự việc, đưa ra những hình phạt hợp lý đối với những kẻ tha hóa, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Chứ nếu việc gì xảy ra, thanh tra rất lâu nhưng không đem lại kết quả gì, để rồi UBKTTW lại phải vào cuộc thì tốt nhất là nên giải tán các cơ quan thanh tra để tránh lãng phí ngân sách nhà nước, để lại việc truy tìm vụ việc cho người dân và báo chí còn việc kiểm tra để cho UBKTTW. Điều đó là rất hợp lý trong thời điểm mà chúng ta cần tinh giản biên chế nhà nước, loại bỏ những cơ quan không có chức năng và những công chức chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” như hiện nay, mà các cơ quan của ngành thanh tra là minh chứng rõ nhất cho việc này.
CTV namlh4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét