Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Hậu thảm sát Bình Phước, sự vô cảm của truyền thông, trục lợi từ người chết và thuyết âm mưu chính trị

Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước tưởng chừng như đã kết thúc khi bản ản án tử hình được thi hành đối với Nguyễn Hải Dương về tội chủ mưu giết chết 06 người. Hẳn là chính bản thân Nguyễn Hải Dương cũng muốn chấm dứt sự thống khổ, giằng xé nội tâm khi thực hiện những hành vi sát thủ đó, tử tù mong nhanh chóng được đền tội khi yêu cầu thi hành án sớm. Ấy vậy mà khi người trong cuộc đang có những hành động làm nguôi dân đi nỗi đau đớn ấy, thì chính sự vô cảm của truyền thông và mưu đồ của một số người đã cào nát một vết thương đang đóng vảy, khiến “nó lại tướm máu” như cách đây 2 năm về trước.
Dương ăn bữa ăn cuối cùng trước khi đi thi hành án (Ảnh: Công an TPHCM
Dương ăn bữa ăn cuối cùng trước khi đi thi hành án (Ảnh: Công an TPHCM
Sự vô cảm của truyền thông
Không hiểu sao việc một tử tù đền tội lại khiến cho một số trang báo chính thống của nước ta phải thương xót đến thế! Họ khai thác mọi khía cạnh của sự việc này và đưa tin một cách chi tiết nhất. Họ túc trực đưa tin theo diễn biến của việc tử hình này như là một sự kiện lớn nào đó của đất nước.
Nào là khai thác từ bố của hung thủ, nhấn mạnh ông đã sẵn sàng đón nhận xác của tử tù này, cho đến việc mẹ của hung thủ Tiến lo sợ cho số phận con mình như thế nào trước tin tử hình đối với Nguyễn Hải Dương. Nào là từ việc tử tù Dương được ăn bữa ăn cuối cùng vào lúc 04h30 sáng cho đến việc tử tù được di chuyển đến trại giam Bình Dương để thi hành án vào lúc 05h và cả lúc 09h, gia đình hung thủ khóc khi nhận xác của tử tù…. Bên cạnh đó, cũng là hàng loạt thông tin về nguyện vọng cuối cùng của Hải Dương và tử tù này nhắn nhủ gì đến với Tiến….
Sau khi đọc những dòng tin tức đó, cái duy nhất đọng lại trong tôi đó chính là sự vô cảm của truyền thông nếu không muốn nói là độc ác. Bởi cha mẹ nào sinh ra con cái chẳng muốn con mình lớn lên thành công và có ích cho xã hội, trước những hành vi tội ác của con họ đã quá đau đớn rồi tại sao còn độc ác đến nỗi phải đến tận nơi để thông báo, rồi phỏng vấn “con ông bà sắp chết, ông bà cảm thấy thế nào?”. Việc tử tù Hải Dương gây ra tội ác như vậy thì ít nhiều người thân của y cũng phải chịu sự dè bửu và xa lánh của xã hội, ấy vậy mà họ còn cố tình đưa hình ảnh người thân của y lên khắp các mặt báo, 2 năm qua họ sống trong khốn khổ về tội ác của người thân mình gây ra vẫn chưa đủ sao?
Độc ác hơn nữa, ngươi ta còn đến tận nhà nạn nhân để hỏi người thân đã lớn tuổi rằng, “hung thủ sắp phải đền tội, ông cảm thấy như thế nào?”. Cảm nhận thế nào là đúng, là muốn y bị giết 06 lần để đề tội cho con cháu mình hay phải nói rằng họ đã bỏ qua nỗi đau này? Đáp án nào mới làm thỏa mãn những người đi lấy tin này? Mọi người hãy đặt mình vào vị trí của người thân nạn nhân để tự hỏi mình có thể tha thứ cho hung thủ không, thì sẽ rõ! Thế nên việc phỏng vấn một người đầu bạc lụm khụm ngày ngày thắp nhang cho 6 linh vị đầu xanh trên kia về cảm nhận của họ là việc vô cùng tàn nhẫn. Họ đã chịu đựng quá nhiều nỗi đau rồi sao lại phải khơi gợi lên một lần nữa. Đó không phải là sự đồng cảm mà là việc đào bới, đâm chọc vào vết thương lòng của họ.
Có một chi tiết tôi rất khắc khoải đó là việc gia đình hung thủ chưa từng đến chỗ gia đình nạn nhân để xin lỗi và thắp nhang, chính điều này cũng được bố hung thủ Dương khẳng định. Chuyện hành xử thế nào đối với tội ác của con mình đó là cách của mỗi người, tôi không bàn sâu, tuy nhiên một điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó chính là sự thiếu nhạy bén của truyền thông. Bởi trước khi diễn ra việc Nguyễn Hải Dương bị tử hình đã có một số bài báo nói về chi tiết đó, ấy vậy mà họ vẫn ngang nhiên đưa hình ảnh người thân tử tù này khóc lóc khi nhận xác. Việc đưa tin như vậy há chẳng phải khoét sâu vào nỗi đau của người thân nạn nhân trong vụ thảm sát hay sao? Chuyện đau xót khi mất đi đứa con là không bàn cãi nhưng có nhất thiết phải đưa lên mặt báo theo kiểu thương xót một tử tù không? Rồi bé Na, nạn nhân còn sống sót duy nhất sẽ nghĩ gì khi lớn lên và vô tình đọc được những bài báo như vậy?
Thêm nữa, khi đưa tin như vậy thì làm sao thể hiện được tính răn đe của pháp luật đối với những đối tượng đã, đang và sẽ phạm những tội.
Đấy là chưa kể việc dễ dãi của truyền thông sẽ tạo điều kiện cho một số đối tượng có tâm lý lệch lạc muốn nổi tiếng sẽ bất chấp pháp luật để có những hành động gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Ví dụ như chỉ cần dùng cụm từ “muốn nổi hơn vụ Columbine” trên Google, hàng chục bài viết về những tên giết người hoặc muốn giết người cho rằng vụ thảm sát trường trung học Mỹ vào năm 1999 là nguồn cảm hứng của chúng. Trong trường hợp này, chuyên gia Muscari cho rằng một trong những cách giải quyết là phớt lờ hung thủ. Giới báo chí nên tập trung vào nạn nhân thay vì khai thác đời tư của kẻ giết người. “Đừng trao ánh hào quang nổi tiếng (hay tai tiếng) cho chúng”, theo cô Muscari. Đồng tình với quan điểm trên, theo Giáo sư Lankford, nhiều kẻ sát nhân dứt khoát đề cập đến “tiếng tăm” khi được hỏi về động cơ giết người không gớm tay.
Hậu quả trong việc đưa tin này là không phải bàn cãi, thế nhưng tại sao họ phải đưa tin dày đặc và chi tiết như vậy? Bởi, Việt Nam hiện có hơn 200 báo mạng điện tử và trang tin điện tử, cùng hàng chục nghìn trang tin nội bộ. Chính vì thế, mà nhiều tờ báo chạy theo xu thế kinh tế thị trường, nhiều toà soạn hiện lấy tiêu chí số lượng view để đánh giá, chấm công cho tin, bài… khiến cho phóng viên phải cố tạo ra những vấn đề để có thể lôi kéo bạn đọc. Điều đó dẫn tới hệ lụy vô cảm đáng tiếc trong trường hợp trên.
Thiết nghĩ, chúng ta cần phải có cơ chế quản lý tốt hơn nữa để tránh tình trạng nhiều trang báo điện tử, nhất là các trang báo nhỏ đã tự biến mình thành những tờ báo “lá cải”.
Nhằm lôi kéo bạn đọc mà nhiều tờ báo chính thống đã liên tục đưa tin dày đặc về sự việc Nguyễn Hải Dương bị tử hình. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng cái chết của nạn nhân và hung thủ để mưu đồ trục lợi cho cá nhân và tạo nên những thuyết âm mưu hạ bệ người khác.
Ăn theo câu like, tung tin giả câu view, kiếm tiền quảng cáo
Một số hàng động lợi dụng sự việc câu like
Một số hàng động lợi dụng sự việc câu like
Chắc hẳn chúng ta không lạ gì việc các thông tin giả ngày qua ngày xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, đặc biệt là trên facebook mà vẫn thu hút được không ít người đọc. Đó chính là bởi vì kĩ năng dùng tít câu view, đánh vào tâm lý tò mò của người đọc. Và khi chúng ta click chuột vào thì sẽ xuất hiện một bài báo nào đó mà nội dung chẳng có gì mới nhưng sẽ xuất hiện một loạt thông tin quảng cáo về các sản Phẩm, khuyến mãi, chặn ngang bài viết. Giật title rất kêu để cộng đồng vào đọc kiếm view like và cái này nhan nhản gọi làm digital marketing bằng content. Đây là thủ thuật phổ biến của các đối tượng kiếm tiền quảng cáo trên facebook.
Có thể hiểu việc tung tin để kiếm tiền bằng cách như sau: google là đơn vị trung gian giữa những thương hiệu muốn chạy quảng cáo và người sử dụng các website, blog… Những người chủ của các trang này nhúng mã có chứa nội dung quảng cáo của google vào website, blog. Sau đó họ dùng các tài khoản facebook đăng tải những nội dung thông tin có kèm link dẫn đến các website, blog, người xem click vào linh dẫn đến các trang này thì nghĩa là các thương hiệu quảng cáo càng có nhiều người biết đến. Khi đưa một tin giật gân thì càng nhiều người xem thì đương nhiên sẽ có nhiều tiền từ quảng cáo.
Tuy nhiên, do người đọc không dễ bị lừa khi liêm tục nhấp vào những tin giật title không có nội dung, nên buộc các đối tượng này phải tung những tin giả, giật gân, nóng, gần sát với những sự kiện kinh tế chính trị xã hội của đất nước nhằm khiến người đọc tin tưởng. Như vụ việc Nguyễn Hải Dương vừa qua đã xuất hiện những thông tin về việc dùng nội tạng của tử tù này được cư dân mạng rất quan tâm. Ngay sau đó Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm đã lên tiếng xác thực thông tin này không đúng sự thật. Tuy nhiên, mặc dù xác định thông tin dùng nội tạng này là giả nhưng một số đối tượng đã kiếm được một không nhỏ từ việc chạy quảng cáo trên nội dung tin này.
Chính vì món lợi khổng lồ này, mà người đã nhẫn tâm bán rẻ đi lương tâm, đạo đức của mình, trục lợi trên chính nỗi đau của gia đình nạn nhân và cả hình ảnh của người đã chết. Mặc dù, facebook đã lên tiếng nỗ lực xóa bỏ những tin giả, nhưng vì cơ chế mở nên mặc dù xóa tài khoản, fange tung tin này nhưng ngay sau đó lại là hàng nấm fange, tài khoản khác mọc lên. Điều đó thể hiện sự bất lực của facebook trong công cuộc chống tin giả như hiện nay.
Thuyết âm mưu chính trị
Một thuyết âm mưu chính trị mới được chia sẻ
Một thuyết âm mưu chính trị mới được chia sẻ
Còn nhớ cách đây 2 năm, ngay khi sự việc xả ra thì ngay lập tức trên mạng xã hội đầy rẫy những giả thiết “tỏ ra nguy hiểm” như: Có biến trong vụ thảm sát, nạn nhân thông đồng với nghi can cõng rắn cắn gà nhà; Bé gái không bị giết chính là con của đối tượng Nguyễn Hải Dương nên được toàn mạng; Không thể có chuyện hai tên cướp dở này có thể ra tay hạ sát cả một gia đình 6 người, phía sau đó phải là xã hội đen, sát thủ chuyên nghiệp hay thế lực ngầm nào đó. Thậm chí có người đặt ra giả thiết “sau khi thảm sát các sát thủ trốn sang Campuchia”…
Chính vì thế, không có gì quá ngạc nhiên khi sau 2 năm lại xuất hiện một thuyết âm mưu chính trị mới. Đó là những câu hỏi nghi vấn cũ trong thuyết âm mưu trước như việc giết hại gia đình này phải do một nhóm các đối tượng lên đến 5 – 6 người, người trông hiền lành như Dương sao lại dã man vậy?… Rồi mượn việc phá án mau lẹ của các cơ quan công an cũng như việc đích thân Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi ấy còn giữ cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an đến chỉ đạo để nói rằng đang có một âm mưu nào đó bị che giấu…
Thực ra, nếu đọc kĩ bài viết này thì sẽ thấy rằng, người đưa bài viết đó thực sự không có ý gì tốt đẹp cho cả nạn nhân và hung thủ mà mục tiêu chúng nhắm đến là chính trị. Mượn sự việc này để đổ vấy, đánh vào uy tín của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng như nhằm mục đích hạ uy tín của lực lượng an ninh , điều tra , viện kiểm sát, toà án…
Điều này không quá ngạc nhiên, bởi sau một sự kiện chính trị kinh tế nào nổi bật là lại xuất nhiện những bài bôi bản, đả kích uy tín của lãnh đạo đất nước. Như vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị là chủ nhà Apec đã khéo léo dẫn dắt những vị lãnh đạo cấp cao thế giới bước vào một cuộc hội nghị với tâm thế đoàn kết, chia sẻ và hợp tác ở mức cao nhất để đưa đến thành công tuyệt vời của Năm APEC 2017. Ngay cả Tổng thống Mỹ và Nga vốn có hiềm khích rất lớn khi ông Trump cáo buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử của nước Mỹ, cũng đã bỏ qua những khúc mắc để vui vẻ hợp tác trò chuyện cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong hội nghị vừa qua. Chính điều này đã nâng cao địa vị và uy tín của đất nước nói chung và của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên trường quốc tế. Và sau đó là việc xuất hiện một thuyết âm mưu này.
Một câu hỏi đơn giản đủ để xé nát cái thuyết âm mưu tập 2 này là người viết cho rằng, những giấy tờ sổ nợ, làm ăn đã không cánh mà bay. Vậy xin hỏi là người viết đã làm nhiệm vụ gì trong cuộc điều tra vụ thảm sát Bình Phước mà biết số giấy tờ đó biến mất? Căn cứ nào mà người viết chắc chắn là cuốn sổ ghi nợ? Và nếu như biết sao anh không thông báo từ 2 năm trước mà đợi đến bây giờ mới nói? Và động cơ mục đích khi nói ra sự việc này của người viết là gì?
Thực ra, những thuyết âm mưu này luôn có đất sống vì những người viết luôn tìm cách lý giải các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm khủng khiếp nào đó đằng sau. Giả thuyết của họ luôn đi ngược lại các giải thích chính thống, và nó luôn nhằm đến việc buộc tội một nhóm người hay một tổ chức đứng đằng sau một sự kiện hoặc một hiện tượng gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế chính trị xã hội. Thuyết âm mưu khá được ưa thích, ngoài lý do người dân luôn hoài nghi vào những thứ họ không hiểu rõ, còn vì sự hấp dẫn ly kỳ của nó.
Chính vì điều này, đã khiến cho dư luận trở thành mảnh đất màu mỡ, để các đối tượng “kềnh kềnh” ươm trồng những thông tin vội vã trái chiều bịa đặt. Mà cho đến thời điểm này các trang mạng xã hội như facebook hầu như là bất lực trong việc kiểm duyệt thông tin nếu như không có ai báo cáo về máy chủ.
Cho đến thời điểm bùng nổ và phát triển thông tin như hiện nay, những thủ thuật kiếm tiền từ cú click của người dùng cũng như việc lan tràn những thông tin giả đang đưa ra một hệ quả đáng báo động. Thử hỏi rằng nếu như một ngày, có thông tin Việt Nam hết sạch gạo lan truyền trên facebwook mà không được kiểm chứng thì hậu quả sẽ như thế nào trong khi Việt Nam đứng thứ 7 trong số 10 nước sử dụng facebook cao nhất thế giới. Cho tới thời điểm này facebook tỏ ra yếu kém trong việc chống tin giả và bất lực trong việc tìm ra những kẻ tung tin giả còn Việt Nam chúng ta chẳng lẽ bó tay sao?
Câu chuyện tử tù Nguyễn Hải Dương chỉ là một ví dụ trong hiện thực sử dụng truyền thông và mạng xã hội của nước ta hiện nay. Nếu không quản lý tốt e rằng một xã hội loạn lạc thông tin là điều không thể tránh khỏi.
CTV Quang Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét