Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

“Sính” bằng cấp đâu có gì sai?

Chiều 18/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) hỏi Thủ tướng về thực trạng “sính” bằng cấp trong xã hội, giải pháp căn cơ để cơ quan Nhà nước tuyển dụng được người thực tài và thay đổi quan niệm bằng cấp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận vấn đề “sính” bằng cấp đang là thực tiễn của xã hội; đồng thời Thủ tướng cũng khẳng định “Bằng cấp là cần thiết nhưng không phải là tất cả”.
Lỗi không phải ở bằng cấp, lỗi ở con người
Bằng cấp là thứ hiện hữu để đánh giá cả một quá trình học tập, phấn đấu của một người nào đó. Phải trải qua quá trình học và thi thì một người mới đạt được chứng chỉ, bằng, chứng nhận. Tức là họ đã có được một số lượng kiến thức, kĩ năng đạt tiêu chuẩn nào đó. Vậy thì chúng ta “sính” bằng cấp có gì sai?
Bằng cấp mất giá trị là do chính con người
Phải có bằng cấp thì mới biết một người có trình độ kiến thức đến đâu chứ. Vấn đề là phải chỉ rõ ràng ra, “sính” bằng cấp chỉ trở thành “sai”, khi mà bằng cấp ở Việt Nam là không thực chất. Chúng ta hay nghe đến nào những “tiến sĩ giấy”, “thạc sĩ tiền”. Lúc này, vật chất lại đóng vai trò lấy được bằng cấp chứ không phải trình độ, kiến thức của người học.
Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều người khi đi học cao lên, là chỉ cốt lấy cho được tấm bằng, tờ giấy chứng nhận, chứ không vì mục đích muốn tăng cường thêm khả năng thu nhận kiến thức, tri thức mới. Từ đó, quá trình học của họ trôi qua trong trạng thái trung bình, không có sự cố gắng, cốt chỉ đạt được tiêu chuẩn vừa đủ có bằng là đã thỏa mãn, hài lòng. Thế nên năng lực, trí tuệ không cải thiện được bao ngoài việc thu thêm một tờ giấy.
Và nên nhắc đến cả những trường hợp học rất cao, học rất giỏi đạt được bằng cấp rất dễ dàng, nhưng khả năng vận dụng vào thực tiễn lại kém. Tôi không nói đến những người có biệt tài chỉ sử dụng để nghiên cứu khoa học mà không thể vận dụng trong thực tiễn. Nhưng đối với những trường hợp này, hãy một lần nhìn nhận lại, do chính chúng ta đang sai trong cách dạy, cách kiểm tra, đánh giá. Tại chúng ta quá chú tâm vào đào tạo, kiểm tra về lý luận, lý thuyết thuần túy, mà quên đi đào tạo, đánh giá, kiểm tra về khả năng vận dụng thực tiễn. Lỗi lại vẫn ở cách chúng ta thực hiện một quy trình đào tạo mà thôi. Rõ ràng, con người chúng ta đang tự đánh mất đi bản chất cần thiết thật sự của bằng cấp, tự chúng ta làm yếu đi giá trị của bằng cấp mà thôi.
Đi tìm nguyên nhân chính “đánh rơi” người tài
Chúng ta kể ra về thực trạng “sính” bằng cấp, đi đâu cũng yêu cầu bằng cấp, nhưng hãy thử đặt câu hỏi ngược lại, nếu không có bằng cấp thì bạn đánh giá người tài bằng cách nào?
Không phải dễ tìm thấy người tài, nếu không căn cứ vào bằng cấp
Chúng ta hãy thử trả lời câu hỏi này qua việc đánh giá tuyển dụng ở một nơi ít sử dụng bằng cấp – Khu vực kinh tế tư. Ở khu vực kinh tế tư, các công ty lớn thường không chú trọng đến bằng cấp là vì họ có đủ khả năng đánh giá, khai thác thông tin người tìm việc. Qua quá trình người tìm việc trải qua rất nhiều vòng kiểm tra, đánh giá, thì công ty có thể đánh giá năng lực của người ứng tuyển: vòng thi trắc nghiệm, thi phỏng vấn, tranh luận trực tiếp,…Như vậy, tuyển dụng đối với khu vực tư là rất phức tạp khi các vòng tuyển dụng kiểm tra rất nhiều giai đoạn, bài kiểm tra, quy trình không đơn giản. Vậy thì đối với khu vực công, chúng ta cũng sử dụng quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm như vậy thì có được không? Câu trả lời là có, nhưng liệu rằng sẽ khả quan hơn thực trạng hiện nay hay không?
Nến nhớ một điều rằng, “sính” bằng cấp không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc không tuyển dụng được người tài, người giỏi. Bởi người tài, người giỏi, muốn có bằng cấp, với họ chỉ là chuyện đơn giản mà thôi.
Trớ trêu ở chỗ, tuyển dụng, bổ nhiệm ở lĩnh vực công còn đang tồn tại cái thực trạng tiêu cực, đó là tình trạng quen thân, lợi ích nhóm… Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn, thì dù có “sính” bằng cấp hay không “sính “ bằng cấp thì người tài vẫn mãi chẳng bao giờ được tuyển dụng cả. Thậm chí, khi mà không sử dụng bằng cấp làm thước đo nữa, thì tình trạng thích thì tuyển dụng, bổ nhiệm không tiêu chí càng tạo nên tiêu cực hơn cả vấn nạn bằng cấp hiện nay.
Tóm lại, bằng cấp vẫn thể hiện được những giá trị cần thiết nhất định của nó, và những giá trị ấy do chính chúng ta là người quyết định. Hãy coi bằng cấp là một dấu hiệu để nhận biết người tài, chứ không phải là để khẳng định người tài. Còn để làm sao tuyển dụng người tài, chúng ta phải loại bỏ hết tiêu cực trong quá trình bổ nhiệm, tuyển dụng, và chúng ta còn phải thay đổi cả tư duy giáo dục, đào tạo hiện nay để bảo vệ giá trị cần thiết của bằng cấp nữa. Trách nhiệm ấy là của toàn xã hội chứ chẳng phải là trách nhiệm của riêng một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét