Khi mà bão số 12 tung hoành ở miền Trung, là tâm điểm của vùng bão cũng là nơi diễn ra cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017. Hai sự kiện cùng một thời điểm, bất chấp sự tang thương mà thiên nhiên mang lại, cái đẹp vẫn được phô diễn.
Một vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017, đúng là vô tiền khoáng hậu. Những cô gái trẻ đôi mươi trong hội trường luôn cố gắng nở nụ cười thật tươi để “lấy lòng” được ban giám khảo, thì phía ngoài xa xung quanh khu vực đó là những con người một nắng hai sương đang cố nuốt nước mắt vào trong để không chịu khuất phục trước thiên nhiên.
Hoa hậu và bão, cuộc tranh luận tâm điểm của dư luận trong những ngày qua. Trong khi UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công điện khẩn yêu cầu ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017, hoãn đêm thi bán kết vào tối 4/11. Nhưng mặc cho cả tỉnh đang cố gắng chống chọi với bão, một cuộc thi Hoa hậu vẫn được diễn ra và cho phát trên sóng truyền hình quốc gia.
Hoa hậu năm nào cũng tổ chức, các cơn bão đổ bộ năm nào cũng diễn ra. Có lẽ, ở Việt Nam số lượng bão và cuộc thi hoa hậu cũng tương đương với nhau. Chỉ khác điều là 2 thứ đó luôn đối nghịch với nhau, hoa hậu thì được tổ chức và lên kế hoạch cả năm, cả tháng, đúng thời gian đúng thời điểm; còn bão thì không.
Ai cũng mong được ngắm nhìn cái đẹp, cũng mong được mãn nhãn, bồi bổ món ăn tinh thần. Nhưng cái “mong” đó chỉ được diễn ra trong hoàn cảnh mà “thiên thời – địa lợi” và “nhân hòa”, chứ không phải là lúc mà thiên nhiên nổi giận, cả tỉnh gồng mình với bão và con người đau thương.
Có lẽ không thể trách riêng những người đẹp trong đêm hội cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017. Có trách, nên trách những con người trong ban tổ chức cuộc thi. Họ là những con người đi theo chủ nghĩa “bất chấp”, họ bất chấp cái công điện của chính quyền địa phương, bất chấp cái sự đau thương của một vùng đất đang gồng mình với bão.
Bất chấp mọi thứ, để dùng đèn điện thoại trang điểm, để dùng đèn pha soi hậu trường, để phô diễn xác thịt, những đường con của người đẹp trong từng bộ trang phục, để không phải hủy lịch hẹn với ban giám khảo với các ca sĩ, khách mời trong đêm… và cốt yếu là để thu về lợi nhuận.
Vậy nên, họ lấy cái mác là “theo quyết định đã ban hành của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch” như một “kim bài miễn tử”. Không ai có quyền ngăn cấm cuộc thi.
Lố bịch hơn nữa, khi mà Phan Anh – nhân vật công chúng cách đây một năm, liên tục kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung qua cơn bão lũ. Thì ngày hôm nay, đúng trong cái hoàn cảnh tương tự đó, lại đi lên tiếng bảo vệ cuộc thi sắc đẹp, với dòng trạng thái trên trang cá nhân Facebook:
“Khán giả đến xem đông, tỷ lệ theo dõi trên truyền hình cao, và livestream nghẽn mạng. Vậy thì phải chỉ trích hết từng đó người ư? Nhà hát không bị ảnh hưởng lớn của bão, công tác tổ chức có thể đảm bảo, không ảnh hưởng gì đến công tác hỗ trợ thiệt hại sau bão của địa phương. Vậy thì tất cả phải ngồi im chờ đợi ư?”.
Đúng là “anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân”, để ủng hộ những thí sinh phô diễn đường cong cơ thể, chứ không phải bảo vệ những con người “tay sách nách mang”, “tay bồng tay bế” những gia tài còn sót lại ra khỏi vùng nước lũ.
Một cuộc thi hoa hậu không khác gì cái cảnh “sống chết mặc bay” trong tác phẩm cùng tên, của nhà văn Phạm Duy Tốn viết về xã hội Việt Nam thời phong kiến và Pháp thuộc, năm 1918.
“Sống chết mặc bay” kể về câu chuyện quan phụ mẫu đi hộ đê chi ngồi trong đình say sưa chơi tổ tôm, mặc mưa tầm tã, nước sông Nhị Hà lên to. Hàng trăm người dân phu cứ bì bõm trong mưa, nào đắp, nào cừ, ướt như chuột lột. Tiếng trống liên thanh, tiếng ốc vô hồi, tiếng người xa xứ gọi nhau sang hộ.
Còn ở nơi chỉ cách nơi hộ đê chừng bốn năm trăm mét, ở trong đình cao, quan phụ mẫu đang chễm chệ ngồi trên một chiếc sập cùng với thầy Đề, thầy đội nhất, thầy thông nhì, chánh tổng sở. Đèn sáng trưng, bày đầy điếu thuốc bạc, đồng hồ vàng, yến hấp đường phèn, kẻ hầu người hạ… và mặc dân chúng.
Cuộc thi hoa hậu thì chẳng phải là những vị quan chức như câu chuyện “Sống chết mặc bay” trên. Nhưng ít nhất, hoa hậu cũng là người đại diện cho một quốc gia, kêu gọi các chương trình thiện nguyện, ủng hộ đồng bào khó khăn và mang hình ảnh con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Có lẽ ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 không biết, các thí sinh tranh ngôi vị hoa hậu cũng càng không biết: Cái đẹp hài hòa là gì?
Quan niệm về cái đẹp đầu tiên của con người mà được đưa ra, trước khi cuộc thi hoa hậu Việt Nam đầu tiên ra đời (1988), phải là “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Đây là “công thức” về cái đẹp mà Đại thi hào Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều, để chỉ người đẹp có sắc một phần thì tài năng phải gấp đôi.
Hoa hậu, cuộc thi ngày càng có tiếng là thương mại hóa, sặc mùi tiền của những “con buôn”. Vậy mà, xã hội cứ để cho sự kệch cỡm đó diễn ra, cứ để cho tiến sĩ không biết nghiên cứu, nhà văn không biết viết, kỹ sư không biết sáng chế… và hoa hậu không biết “xấu hổ”.
Ban tổ chức và các nhà tài trợ lấy được bao tiền về túi? Có biết rằng bão số 12 đã đổ bộ tâm bão vào tỉnh Khánh Hòa. Làm 27 người chết, hiện còn 5 người mất tích. Toàn tỉnh có 993 nhà sập hoàn toàn, 97.851 nhà hư hỏng, tốc mái, 241.520 gia súc gia cầm chết, bị cuốn trôi, 1.141 tàu thuyền bị chìm. Uớc tính thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng không?
Tại sao mà: “Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!”. (Trích Chí Phèo – Nam Cao).
Nghĩa cử cao đẹp của con người Việt Nam “một con người đau cả tàu bỏ cỏ” đâu? Sao Ban tổ chức không học Thành phố Hà Nội, hủy bắn pháo hoa để ủng hộ đồng bào 12 tỷ đồng? Sao không học ca sĩ Hồ Ngọc Hà hủy show diễn năm 2016 để ra Quảng Bình ủng hộ đồng bào miền Trung?
Hoa hậu à! Ít nhất thì cũng phải là sứ giả của một nền văn hóa.
CTV Đinh Lực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét