Trước tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra tại huyện A Lưới, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan có các biện pháp kịp thời ngăn chặn xử lí.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động thăm dò khoáng sản vàng của Công ty Đông Trường Sơn tại xã Hồng Thủy và Hồng Vân, huyện A Lưới, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lí.
Theo đó, ngày 9/11, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND huyện A Lưới và Sở Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:
Yêu cầu UBND huyện A Lưới chỉ đạo các phòng ban và UBND xã Hồng Thủy, UBND xã Hồng Vân tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Huyện A Lưới phải tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tại địa phương.
Bên cạnh đó cần thực hiện công tác quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định. Để đảm bảo an toàn, các đơn vị phải thông báo, vận động người dân không có các hoạt động sản xuất tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Khai thác vàng trái phép trên diện tích rộng hàng trăm m2 tại huyện A Lưới.
UBND tỉnh cũng yêu cầu huyện A Lưới phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường tổ chức làm việc với người dân, thông báo về quản lý, sử dụng đất để có phương án quản lý về đất đai tại khu đất mà trước đây Công ty đã hoạt động thăm dò ở thôn 4, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND huyện A Lưới thực hiện công tác quản lý đất đai và khoáng sản đối với khu đất mà công ty Đông Trường Sơn đã thăm dò khai thác, phối hợp chặt chẽ việc giám sát và tổ chức thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trước đó, Chuyên trang ANTT có đăng loạt bài phản ánh về tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra với quy mô lớn tại xã Hồng Vân, huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) với số lượng lên đến hơn 30 lao động, cày nát “thánh địa” vàng hàng trăm m2.
Được biết, khu vực khai thác vàng trái phép này là diện tích đất chưa được Công ty Đông Trường Sơn khai thác trước đó hoàn thổ, trả lại mặt bằng. Công ty không chịu hoàn thổ đã vô tình tạo điều kiện cho người dân lén lút vào khai thác trên đây.
Việc người dân cày nát khu vực đồi A Pey B đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây bức xúc trong dư luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét