Tỉnh Thừa Thiên-Huế có nhiều di sản nổi tiếng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Đây là một trong số ít những địa phương có nhiều lợi thế về phát triển du lịch tâm linh.
Các điểm tâm linh nơi đây đều được hình thành một cách tự nhiên, do sự tích hợp lâu dài của quá trình phát triển lịch sử, tín ngưỡng và tôn giáo, tạo nên nét độc đáo riêng có.
Là một địa phương có nhiều di sản nổi tiếng, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
Địa phương này không ngừng phát huy lợi thế về du lịch tâm linh để tạo sự đa dạng và khác biệt trong du lịch.
Các tuyến du lịch tâm linh thu hút ngày càng đông du khách là lễ hội điện Hòn Chén, lễ vía Phật Bà, lễ hội đền Huyền Trân, lễ Phật Đản hằng năm...
Tại Huế, ngoài hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn, hiện có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ. Nhiều ngôi tổ đình, cổ tự nổi tiếng từ lâu như: Thiên Mụ, Từ Đàm, Bảo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân, Trúc Lâm…
Mỗi một ngôi chùa cổ không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, mà còn là địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc. Gần 1/3 lượng khách đến Huế đều ghé qua các địa điểm du lịch tâm linh này.
Ông Trần Phương Thành, một du khách đến từ TP.HCM chia sẻ: "Tới Huế tôi phải đến chùa Thiên Mụ, thứ nhất là vái Phật cầu những điều may mắn, tốt lành đến với mình và sau đó còn ngắm những khung cảnh nên thơ".
Với tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, thời gian gần đây, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với hơn 40 doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ Lữ hành UNESCO TP.HCM tổ chức khảo sát các tour tuyến mới để đưa khách đến Huế.
Ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO TP.HCM đánh giá: "Huế có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên để Huế có thêm lượng khách từ các vùng khác về cần có thêm những sản phẩm kết hợp liên vùng miền chứ không đơn thuần là ở Huế. Sau chuyến đi này chúng tôi sẽ thành lập liên minh, trong đó bao gồm các hãng lữ hành trong và ngoài nước, xây dựng hệ thống tour liên tuyến".
Năm 2017, lượng khách du lịch đến Huế tăng hơn năm trước với gần 3,8 triệu lượt khách. Tuy nhiên, thời gian lưu trú của khách lại giảm, chỉ đạt 1,8 ngày/khách.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, việc tạo ra nhiều sản phẩm mới về du lịch tâm linh sẽ tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, giữ chân du khách ở lại Huế lâu hơn.
"Du lịch tâm linh đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch văn hóa di sản trên địa bàn. Hiện nay một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đưa vào khai thác tour du lịch tâm linh như Thiền viện Trúc Lâm, đền Huyền Trân Công Chúa, một số chùa chiền lớn ở trên địa bàn".
"Để đẩy mạnh hoạt động của du lịch tâm linh trong năm 2018, Sở sẽ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai loại hình du lịch này. Tổ chức khảo sát các điểm mới đa dạng thêm sản phẩm để thu hút thêm nhiều khách đến với Huế", ông Minh cho hay.
Là vùng đất có thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh với bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục phát triển loại hình du lịch này.
Vẻ đẹp huyền bí của các đền thờ, lăng tẩm ở Thừa Thiên-Huế sẽ giúp tạo ra nhiều sản phẩm du lịch tâm linh gắn với các văn hóa di sản tạo đà phát triển du lịch bền vững trong tương lai./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét