Thành công không phải tự nhiên mà có, nó đến từ sự nỗ lực và quyết tâm. Điều đó một lần nữa được chứng minh qua câu chuyện Facebook, Google.
Sáng ngày 22/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, một trong những điểm nhấn của ngành TT&TT năm 2017 là việc Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc triển khai các biện pháp nhằm tăng cường việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, nổi bật là 2 mạng xã hội lớn của 2 doanh nước ngoài Google và Facebook.
Theo ông Trương Minh Tuấn, hiện nay Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube trong khoảng 5.000 video clip theo yêu cầu của Bộ TT&TT; Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, vào năm 2018 Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý thông tin trên mạng, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để xử lý các thông tin gây ảnh hưởng xấu đến Đảng và Nhà nước.
Việc Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube trong khoảng 5.000 video clip theo yêu cầu của Bộ TT&TT; Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước có lẽ không tự nhiên mà có. Chúng ta biết rằng, đã không ít lần hai đại gia của ngành công nghệ truyền thông này đã phớt lờ những yêu cầu của Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc hợp tác với Việt Nam ngăn chặn thông tin xấu độc.
Ấy thế nhưng tại sao họ lại gỡ bỏ số video clip xấu độc, tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước trên? Đó chính là từ sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền thông xuyên biên giới như Facebook, Google. Chúng ta đã có những yêu cầu kiên quyết và cứng rắn đối với Facebook, Google trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và hợp tác với Việt Nam ngăn chặn thông tin xấu độc. Nếu không có sự cương quyết và những cứng rắn đó thử hỏi Facebook, Google liệu có gỡ bỏ các video clip, tài khoản xấu độc như vậy?
Việc quản lý chặt chẽ đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền thông xuyên biên giới như Facebook, Google không chỉ đảm bảo cho các doanh nghiệp này hoạt động tuân thủ pháp luật mà còn phục vụ cho lợi ích quốc gia, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đảm bảo an ninh quốc gia.
Trong bối cảnh các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện; các thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển của công nghệ để thường xuyên phát tán thông tin xấu độc trên các dịch vụ nền tảng nước ngoài… Việt Nam vẫn là 1 trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới, một số trang thông tin của các cơ quan, đơn vị vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát. Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ đang ở mức báo động. Hiện tượng mất an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử cũng ngày càng gia tăng về số lượng… thì việc quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google càng phải được đặc biệt coi trọng.
Ấy thế nhưng khi dự thảo Luật An ninh mạng - một đạo luật được xây dựng là để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và người dân được đưa ra để thảo luận, lấy ý kiến, trong đó có điều khoản yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Google… đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam một số người đã kêu gào là “làm khó” cho doanh nghiệp nước ngoài, đi ngược lại xu thế, vi phạm cam kết… Đúng là thật không hiểu nổi.
Khai Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét