Người Công giáo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, thể hiện qua 2 cuộc kháng chiến cứu quốc, trong công cuộc đổi mới đất nước; và đặc biệt, được chứng minh qua Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”; “Xây dựng trong Hội thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống của dân tộc, tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”.
Linh mục Thiện Cẩm (TP. Hồ Chí Minh) từng nói: “Chúng tôi chỉ muốn làm một chút muối, để được hòa tan trong cộng đồng dân tộc, lấy đời sống và hoạt động của mình ướp mặn lại nền đạo đức đang có nguy cơ bị biến chất hay hủy hoại. Là một nắm men nhỏ, chúng tôi chỉ mong ước được vùi sâu trong môi trường xã hội, làm dấy lên những nghị lực, có khả năng cải tạo, đổi mới, làm cho xã hội Việt Nam không những phát triển giàu đẹp văn minh, mà còn đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy được truyền thống tôn trọng đạo lý, lấy nhân nghĩa làm nền tảng cho mọi mối tương giao giữa người với người, theo châm ngôn “thương người như thể thương thân”...”.
Thực tiễn đã chứng minh, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với tinh thần và ý thức dân tộc, nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đã tham gia hoặc ủng hộ kháng chiến. Tiêu biểu như linh mục Phạm Bá Trực, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, linh mục Hồ Ngọc Cẩn, Vũ Xuân Kỷ, Hồ Thành Biên, Đậu Quang Lĩnh, Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Thế Vịnh, Võ Thanh Trinh… Trong chống Mỹ cứu nước, hơn 5 vạn thanh niên Công giáo lên đường bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trở thành anh hùng lực lượng vũ trang, dũng sĩ diệt Mỹ và biết bao tấm gương hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều bà mẹ Công giáo được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Đó mãi mãi là những nét son trong lịch sử cứu nước vẻ vang của người Công giáo trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
“Đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” là sự lựa chọn của Hội đồng Giám mục Việt Nam mà mọi thành phần tín hữu Công giáo Việt Nam đều tuân thủ. Do vậy, những người nhân danh Chúa mà có hành động và việc làm sai trái, theo tôi, không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn đi ngược lại Thánh ý Chúa đã răn dạy”.
Giáo dân Nguyễn Văn Nam
Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhiều phong trào, cuộc vận động được người Công giáo hưởng ứng tích cực có hiệu quả như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”… Có những tấm gương như gia đình ông Lê Ngọc Châu, tổ 26B, phường Thanh Chương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, một gia đình Công giáo sống hòa thuận, văn minh và hạnh phúc. Ông bà là tấm gương sáng luôn giữ mối quan hệ đoàn kết, giúp đỡ bà con lối xóm; tổ chức giúp thanh niên Công giáo thành lập “Nhóm ve chai” thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo. Bản thân ông nhiều năm làm Tổ trưởng dân phố, Trưởng ban Hành giáo nhà thờ Trung Trí. Năm 2007, gia đình ông được UBND TP. Hà Nội tặng bằng khen và tuyên dương là gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc.
Xã Lạc An (tỉnh Bình Dương) có tới 86% là người Công giáo, trước kia đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nay qua các chương trình phát triển kinh tế, nhiều gia đình đã thoát nghèo, con em được học hành. Anh Đặng Hữu Thạch, một thanh niên Công giáo, sau khi tốt nghiệp đại học, đã về quê đặt gần 20 máy tính nối mạng với hy vọng góp phần nâng cao nhận thức thanh niên trong xã. Anh được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Lạc An; được nhận giải thưởng Thanh niên tiên tiến và dự Liên hoan “Thanh niên làm theo lời Bác” do Trung ương Đoàn tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Lan (Hải Dương) là người Công giáo tiêu biểu được nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm và chụp ảnh lưu niệm… Có thể nói, trong công cuộc đổi mới đất nước, có rất nhiều tấm gương điển hình, nhiều xứ, họ đạo tiên tiến trong sản xuất và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đã và đang góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của địa phương và toàn xã hội.
Mặc dù trong quá khứ cũng như hiện nay, trong đồng bào Công giáo vẫn còn có những người chống đối, đi ngược lại lợi ích dân tộc như sự kiện “hai năm bốn tháng” gắn với vị giám mục Lê Hữu Từ ở Ninh Bình thời kháng chiến; vụ linh mục Nguyễn Văn Lý vi phạm pháp luật ở Thừa Thiên Huế thời gian trước; và trong những ngày tháng vừa qua, có một vài giáo sĩ và giáo dân trên địa bàn giáo xứ Kẻ Gai có hành vi quá khích trong quá trình tranh chấp đất đai, cơ sở thờ tự vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật, làm hoen ố những hình ảnh, việc làm tốt của đại đa số đồng bào và chức sắc đạo Công giáo Việt Nam. Nhưng chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Đồng bào Công giáo vẫn luôn tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo.
Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau như một, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào các tôn giáo, trong đó có bộ phận quan trọng là đồng bào Công giáo; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”. Không những tôn trọng, Đảng ta còn thừa nhận “đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”; và hơn ai hết, Đảng ta mong muốn các tổ chức giáo hội và đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo phát huy những giá trị đạo đức tôn giáo, đồng hành và hội nhập văn hóa dân tộc; cùng xây dựng một xã hội mới, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Để kết thúc bài viết, xin dẫn ý kiến của ông Nguyễn Văn Nam, giáo dân Giáo xứ Bùi Phát, Tổ trưởng dân phố 29, phường 12, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Ông nói: “Là người Kitô giáo, tôi nghĩ, mọi người phải luôn làm việc và sống theo lời dạy của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Ở đây là lòng dân tộc Việt Nam, là xã hội mà chúng ta đang sống, là sống cùng các tầng lớp nhân dân, coi trọng pháp luật và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Mỗi người con Chúa phải tích cực xây dựng xã hội, hiến kế tìm biện pháp hữu hiệu hơn, toàn vẹn hơn, và thể hiện cách nói, thái độ khiêm tốn, bác ái trong mỗi sự việc./.
>>>Life<<<Thanh niên Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét