Những ngày qua, sau khi Tòa án nhân dân cao cấp Đà Nẵng tiến hành xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm) với mức hình phạt 10 năm tù tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” (theo điều 88 BLHS) thì hàng loạt các cá nhân, tổ chức lên tiếng phản đối kịch liệt bản án của Tòa cũng như kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Mẹ Nấm. Có thể nói đây là bài vở quá cũ được các vị diễn đi diễn lại trong suốt những năm qua, mục đích không gì khác là muốn can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước vành móng ngựa 30/11 vừa qua
Quay trở lại phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bản án 10 năm tù dành cho ả là hoàn toàn đích đáng và nhận được ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Một ả nữ đã có quá trình thực hiện các hoạt động chống phá đất nước chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hình phạt nghiêm minh của pháp luật. Điều này có lẽ đã được nhiều bài viết đề cập dưới những góc độ khác nhau về quá trình phạm tội của Như Quỳnh.
Ấy thế mà, đâu đó vẫn có những lời bàn tán, tuyên bố rất hùng hồn rằng chính quyền phải trả tự do ngay lập tức cho blogger Mẹ Nấm, phản đối bản án dành cho Mẹ Nấm. Có thể chỉ mặt, đọc tên những trường hợp sau:
- Đại Sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam cho rằng bản án hoàn toàn trái ngược với bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Chính Trị Và Dân Sự mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Vì thế, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh “phải được trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện”
- Bà Barbel Kofner, Đặc Ủy Nhân Quyền Liên Bang Đức đưa ra trong bản tuyên bố, nói rằng bà “đau buồn và phẫn nộ” về việc tòa phúc thẩm Khánh Hòa giữ nguyên bản án sơ thẩm 10 năm tù giam với blogger Mẹ Nấm, không đếm xỉa gì tới việc Mẹ Nấm chỉ thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí được đảm bảo bởi hiến pháp Việt Nam.
- Ông Frank Schwabe, một dân biểu thuộc Đảng dân chủ trong Quốc hội Liên bang Đức ra thông cáo yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
- Tổ chức mang cái mác “nhân quyền” như Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, ca ngợi blogger Mẹ Nấm là một người phụ nữ can đảm, gọi bản án mà tòa án đưa ra là bằng chứng xác nhận chính quyền Hà Nội sợ hãi khi thấy người dân lên tiếng, chia sẻ quan tâm về tương lai đất nước…
Tựu chung lại một điểm là các vị ấy đang đánh tráo khái niệm, đánh bùn sang ao, nói theo cái kiểu cãi cùn. Một đứa trẻ con lên ba cũng biết rõ là tất cả đều phải theo một khuôn khổ luật pháp nhất định, và việc phản ảnh hay đấu tranh đều phải theo các khuôn khổ ấy. Chưa kể đến chuyện mỗi nước có hệ thống luật pháp riêng, đương nhiên mọi công dân phải tuân thủ cũng như chịu trách nhiệm cá nhân khi vi phạm các quy định ấy. Tùy theo tội danh mà một phạm nhân bị phạt tiền, hay phạt tù, theo luật pháp (của nước mà người đó là công dân). Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh phạm tội và phải bị phán xử theo luật pháp Việt Nam mà ai cũng phải tôn trọng, cũng như Việt Nam tôn trọng luật pháp các quốc gia trên thế giới.
Thêm vào đó, các lý do bảo vệ cho "dân chủ, nhân quyền" mà các vị đưa ra thực chất chỉ là lợi dụng như bình phong để đòi Nhà nước ta thả tự do cho những đối tượng lợi dụng cái mác dân chủ để hoạt động chống đối, vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của nhân dân mà thôi.
Bản án 10 năm tù với Như Quỳnh là quá nhẹ với quá trình hoạt động và những hành vi nguy hiểm cho xã hội của ả, nó thể hiện bản tính nhân văn của Nhà nước Việt Nam. Từ những lập luận trên cho thấy việc các cá nhân, tổ chức đưa ra yêu sách phản đối bản án đối với Quỳnh, đòi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện với Mẹ Nấm là không có cơ sở thực tiễn, pháp lý.
Bông Lau
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét