Lão ngư Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết cứ vào mùa nắng là Trung Quốc lại cấm biển nhưng ngư dân Việt Nam nếu xác định là vùng biển của mình, đội tàu vẫn bình thản vươn khơi làm ăn và giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan chức năng.
Không ra biển thì đói à!
“Ở Phú Yên lúc này, các tàu đánh bắt xa bờ đều được trang bị đầy đủ hệ thống định vị, nắm chắc luật lệ trên biển. Bà con ra biển đều đi thành tổ, đội liên kết; giữ liên lạc thường xuyên với cơ quan hữu trách nên ngư dân luôn thoải mái đánh bắt. Một tàu có phần hùn vốn của gia đình tôi vừa ra khơi vào sáng nay” - ông Phan Thuẫn nói.
"ngu dan muu sinh tren bien que huong, khong viec gi phai so" hinh anh 1
Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh: Hùng Phiên
Khu vực cảng cá phường 6 Tuy Hòa cũng được biết đến là nơi tập trung gần 1.000 tàu xa bờ của nhiều gia đình có truyền thống đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa.
Trao đổi với PV Dân Việt qua bộ đàm, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp (tàu PY-96572) - Tổ trưởng nhóm tàu Đại Đoàn Kết (gồm 16 tàu công suất lớn) cho hay, tàu nhà anh đang cùng 15 chiếc trong tổ đang chuyến đánh bắt hơn một tháng trên biển Đông, sắp trở về cảng phường 6 Tuy Hòa.
"Đội tàu Đại Đoàn Kết đang linh hoạt vừa câu cá ngừ đại dương, cá nhám và đánh lưới cá chuồn. Sắm tàu xa bờ mà ngại ngần chuyện lệnh cấm “khơi khơi” của Trung Quốc, không ra biển thì chỉ có nằm chờ đói à! Hơn nữa, hầu hết chủ tàu công suất lớn đều vay nợ ngân hàng nên buộc phải ra khơi đều đặn. Xác định là vùng biển Việt Nam thì đội tàu luôn giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan chức năng, bình thản vươn khơi làm ăn" - anh Hiệp cho biết.
Theo anh Hiệp, đội tàu Đại đoàn kết vừa khai thác, vừa bán cá ngay trên biển nên rất ít tàu thất bại trong các đợt ra khơi. Đợt này, tính toán lượng hải sản đã thu, bình quân mỗi tàu đều có lãi vài chục triệu đồng. Kỳ này, luồng cá xuất hiện không nhiều như mọi năm nên chuyến biển phải kéo dài hơn.
Mưu sinh hợp pháp trên vùng biển quê hương
"ngu dan muu sinh tren bien que huong, khong viec gi phai so" hinh anh 2
Ngư dân tàu xa bờ đang đánh bắt trên Biển Đông. Ảnh: Hùng Phiên
Tại Bình Định, ngư dân Nguyễn Văn Việt - Chủ tàu BĐ 91189 TS, 900 CV (trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết: “Trung Quốc năm nào cũng ra lệnh cấm đánh bắt trên biển, điều này thiệt tức cười! Chúng tôi đánh bắt trên ngư trường quê hương nên không có gì sợ cả”.
Theo ông Việt, tàu ông chuyên đánh bắt bằng nghề câu cá ngừ đại dương và lưới chụp tại ngư trường Trường Sa. Chuyến vừa rồi, tàu vươn khơi 20 ngày với 7 ngư dân. Sau khi vào bờ, mỗi thuyền viên thu về hơn 10 triệu đồng. Hiện tại, tàu BĐ 91189 TS của gia đình ông Việt vẫn đang đánh bắt vào ngư trường Trường Sa và dự kiến 10 ngày nữa vào bờ.
“Thực tế, thời gian qua, việc Trung Quốc lấn sát và giành ngư trường đã khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngư dân luôn tin rằng, trong cuộc mưu sinh này, ngư dân không đơn độc. Vì thế, những chuyến biển vẫn được nối dài” - ông Việt chia sẻ.
Ngư dân Bùi Thanh Ninh (SN 1957, trú xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) quản lý đội tàu 16 chiếc với 8.000CV, quanh năm đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Ninh cho biết: “Tôi nhắc nhở anh em đi biển cần phải nhớ: Ngư trường, biển cả luôn là nhà, mình phải có trách nhiệm, giữ gìn biển như giữ ngôi nhà chung. Từng tấc đất, thước biển, khối nước… đều là của dân tộc. Anh em đi biển cần đoàn kết, chia sẻ với nhau, gặp hoạn nạn thì cùng nhau ứng cứu kịp thời, phải có niềm tin và quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo dân tộc”.
"ngu dan muu sinh tren bien que huong, khong viec gi phai so" hinh anh 3
Ngư dân Bình Định đang đưa cá ngừ đại dương về bờ bán. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Ninh nhớ lại: “Năm 2015, trong đội tàu của tôi, thuyền trưởng Nguyễn Sinh (xã Tam Quan Bắc) điều khiển tàu cá BĐ 96617 cùng 13 ngư dân trên tàu đã chịu sự tấn công vô cớ của tàu sắt Trung Quốc khiến hư hỏng ca bin và thân tàu. Dù các thuyền viên hô to và ra hiệu tàu đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam nhưng tàu sắt Trung Quốc vẫn không ngừng đâm va”.
Ngay sau đó, ông Ninh yêu cầu thuyền trưởng Sinh, trấn an tinh thần các thuyền viên trên tàu và báo với cơ quan chức năng yêu cầu hỗ trợ. “Các thuyền viên đã cập bến an toàn và họ vẫn tiếp tục câu chuyện vươn khơi, chẳng ai ngần ngại. Chuyện tàu bị phía tàu Trung Quốc rượt đuổi thì kệ họ, ngư dân mình mưu sinh hợp pháp trên vùng biển của dân tộc, thì chẳng sợ gì cả”- Sáu Ninh nói.
Hội nghề cá Đà Nẵng đã nhiều lần ra tuyên bố phản đối lệnh cấm biển bất hợp pháp của Trung Quốc. Dù Trung Quốc có áp đặt như thế nào, ngư dân Việt Nam vẫn không coi lệnh cấm của họ có giá trị, vẫn tiếp tục đánh bắt trên vùng đánh bắt quen thuộc của mình. Hội luôn kêu gọi ngư dân đi đánh bắt phải theo tổ đội, để cùng hỗ trợ và thông báo kịp thời những hiện tượng bất thường cho cơ quan chức năng. Đồng thời, ngư dân cũng phải cập nhật thông tin để không vô tình xâm phạm vào lãnh thổ các nước khác, tránh trường hợp bị bắt bớ…”, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng) nói.
Hùng Phiên - Dũ Tuấn - Kim Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét